Hoạt động của hội

Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số

Trong khuôn khổ của Hội nghị tập huấn kỹ năng, nhiệm vụ công tác Văn phòng toàn quốc năm 2022 tại thành phố Đà Lạt vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có nhiều hoạt động hỗ trợ Hội Nông dân 63 tỉnh, thành về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số (ảnh) như: giới thiệu dự án “Nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ và hội viên, nông dân về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, tích cực tham gia chương trình OCOP tại các địa phương”; Hội nghị chuyên đề Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phối hợp với Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông Việt Nam VNPT (Chi nhánh Lâm Đồng) triển khai Chương trình hỗ trợ hội viên nông dân về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số…
* Tăng cường chuyển đổi số
Là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam có vai trò trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số. Vì vậy, Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giới thiệu dự án “Nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ và hội viên, nông dân về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, tích cực tham gia chương trình OCOP tại các địa phương”. Dự án nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả khởi nghiệp, sáng tạo, tạo sinh kế bền vững cho nông dân, nhất là nông dân trẻ; góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, gắn với bảo vệ môi trường tại các địa phương triển khai dự án. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập và phát triển. Tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các địa phương thông qua chương trình OCOP, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và cộng đồng nông thôn. Xây dựng và lan tỏa, nhân rộng các mô hình phát triển cộng đồng bền vững tại nông thôn thông qua hoạt động của các tổ hợp tác, Hợp tác xã và chi Hội Nông dân nghề nghiệp có tính chất như các tổ chức cộng đồng.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, chia sẻ: “Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, động viên nhằm thay đổi thói quen của nông dân, ứng dụng các công nghệ kỹ thuật, công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc,…”. Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp về lâu dài phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số.
Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do dầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị (tự động, số, thiết bị, phân tích…) còn thiếu. Tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, nhận thức và trình độ của nông dân còn hạn chế, nên khó áp dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
* Chú trọng tuyên truyền khởi nghiệp sáng tạo cho nông dân
Ngoài việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp của các cấp Hội Nông dân thời gian qua chưa tạo thành phong trào, vì vậy, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn mới là điều cần thiết. Trước yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, xu hướng khởi nghiệp, khát vọng lập nghiệp của nông dân đang ngày càng mạnh mẽ, cần có sự chỉ đạo, định hướng, tư vấn, hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân Việt Nam. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai Đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020- 2025” (gọi là Đề án 03-ĐA/HNDTW). Mục tiêu của Đề án nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đúng theo chức năng, nhiệm vụ. Gắn hoạt động trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo với xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh. Thúc đẩy sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân ở nông thôn, các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Út, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Hội Nông dân thành phố Cần Thơ, cho biết, thực hiện Đề án 03-ĐA/HNDTW, hằng năm, Hội Nông dân thành phố Cần Thơ đều có xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội thảo khởi nghiệp sáng tạo cho cán bộ, hội viên nông dân thành phố. Sau đợt tập huấn này, chúng tôi sẽ kết hợp những kiến thức đã được tập tuấn và thực tiễn ở địa phương để thực hiện bài bản hơn, hiệu quả hơn nữa về khởi nghiệp sáng tạo trong cán bộ, hội viên nông dân thành phố Cần Thơ.
Để đạt được mục tiêu trên, các cấp Hội chú trọng đến việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khởi nghiệp sáng tạo cho cán bộ, hội viên, nông dân bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó còn tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi trực tiếp để giúp cán bộ Hội và hội viên nông dân hình thành ý tưởng, nuôi dưỡng khát vọng và quyết tâm khởi nghiệp sáng tạo. Giới thiệu các tấm gương nông dân khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu, doanh nhân nông thôn, nông dân tỉ phú, các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của Hội. Ngoài ra, Hội cũng tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo…
Nguyễn Thị Tú Anh
Phó Chánh Văn phòng Thành Hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *