Hoạt động của hội

Hội Nông dân phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển tải vốn giúp nông dân tái cơ cấu nông nghiệp

Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố kiểm tra, giám sát Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại quận Thốt Nốt trong chương trình phối hợp với NHCSXH.

Xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong quá trình thực hiện; nhằm phát huy vai trò của nông dân. Bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về liên kết “4 nhà”, phương thức thâm canh “5 cùng”… quan trọng hơn, tuyên truyền giúp nông dân hiểu lợi ích từ tái cơ cấu nông nghiệp để bố trí, chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Để vận động nông dân thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân trong thành phố đã tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tư vấn, giới thiệu những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hội thảo, dạy nghề, tham quan… Qua đó, đã thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia.
Toàn thành phố hiện có 81.345 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 508 chi Hội, với 1.720 tổ Hội; 72 đơn vị cấp xã, phường có tổ chức Hội Nông dân. Những năm qua, xác định tái cơ cấu nông nghiệp là thúc đẩy phát triển toàn diện “tam nông”, Hội Nông dân phối hợp với các tổ chức tín dụng chuyển tải vốn đến hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, là giải pháp để tập hợp nông dân tham gia và gắn bó với tổ chức Hội.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công, có sự hỗ trợ tích cực từ việc chuyển tải vốn kịp thời, thông qua thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ về vốn chính sách tín dụng ưu đãi. Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi về thực hiện ủy thác cho vay, Hội Nông dân các cấp tuyên truyền để hội viên hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của người vay để tái cơ cấu nông nghiệp.
Với mục tiêu xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nông dân trong thành phố đã chú trọng tập trung sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh thị trường. Qua đó, góp phần đẩy nhanh lộ trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Trong quá trình thực hiện, Hội Nông dân phối hợp với NHCSXH trong hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, cho vay thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nguồn vốn ủy thác của NHCSXH do Hội Nông dân quản lý đạt được những kết quả đáng trân trọng. Đến 31/5/2023, Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý 756 tổ (trong đó, 683 Tổ Tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt đạt 90,34%), với 36.230 hộ vay vốn, dư nợ 1.321,928 tỷ đồng; có 100% Hội Nông dân cấp huyện, cấp xã ký văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác với NHCSXH; chất lượng tín dụng do Hội quản lý không ngừng nâng lên qua các năm, trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ngày càng hiệu quả. Từng bước khẳng định vai trò của nông dân quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp ở nhiều địa phương trong thành phố.
Vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ nông dân vượt qua khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Tiêu biểu là hộ ông Huỳnh Văn Thắng ngụ ấp Tân An, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh vay số tiền 50 triệu đồng, mô hình nuôi bò, trả lãi đúng hạn quy định, qua 2 năm chăn nuôi sau khi trừ chi phí hộ vay thu nhập được 100 triệu đồng/năm; hộ ông Vũ Đình Dễ ngụ ấp Bờ Bao, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, vay vốn 40 triệu đồng, mô hình nuôi heo sinh sản và heo thịt từ năm 2020- 2022, sau 2 năm chăn nuôi hộ vay đã thu hồi vốn sau khi trừ chi phí thu nhập được 130 triệu đồng/năm; hộ ông Huỳnh Văn Rẫy ngụ ấp Vĩnh Tiến, thị trấn Vĩnh Thạnh, vay vốn 50 triệu đồng, mô hình buôn bán nhỏ, hàng năm thu nhập 100 triệu đồng; hộ bà Lý Thị Ánh ngụ khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, vay 50 triệu đồng và hộ ông Nguyễn Minh Hoàng ngụ phường Thới An Đông, vay 50 triệu đồng, mô hình VAC mỗi năm thu nhập được 140 triệu đồng,….
Để phát huy những kết quả đạt được về tái cơ cấu nông nghiệp, với vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong công tác phối hợp với các đoàn thể, địa phương và hội viên nông dân là quyết định. Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp sẽ đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến cho hội viên nông dân biết về mục đích ý nghĩa của tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng ưu đãi dành cho nông dân sử dụng vốn tái cơ cấu nông nghiệp; Hội tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật nhằm giúp hộ vay áp dụng vào sản xuất hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống; tăng cường thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp để nhân rộng mô hình sản xuất, tập trung ưu tiên những vùng, khu vực trọng điểm gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay trong năm 2023 và các năm tiếp theo, hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, Hội Nông dân thành phố phối hợp chặt chẽ với NHCSXH xây dựng chương trình phối hợp, kế hoạch thực hiện từng chỉ tiêu cụ thể theo định hướng trong Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của NHCSXH thành phố nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác và chất lượng tín dụng chính sách, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Lê Thị Thủy
Hội Nông dân TP Cần Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *