Hoạt động của hội

HỖ TRỢ NÔNG DÂN PHÁT TRIỂN VƯỜN CÂY ĂN TRÁI CHẤT LƯỢNG CAO

Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố khảo sát dự án tại phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt)

Phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ là một cù lao nằm giữa dòng sông Hậu hiền hoà, quanh năm bồi đắp phù sa. Tân Lộc có điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho việc phát triển sản xuất cây ăn trái. Phát triển cây ăn quả được coi là hướng đi hợp lý, đúng với xu thế phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và tạo giá trị gia tăng cho ngành này.
Hiện Tân Lộc có trên 3.300 ha đất tự nhiên, trong đó diện tích vườn cây ăn trái trên 95%. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt nhiệm kỳ 2020 – 2025 về việc đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ và vườn du lịch sinh thái, chuyển dần lĩnh vực nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao, phường Tân Lộc ưu tiên đầu tư mô hình trồng mới và chăm sóc vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao kết hợp với dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, một số hộ dân gặp khó khăn về vốn.
Từ thực tế đó, để giúp hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc vườn cây ăn trái đạt chất lượng và cho năng suất cao, Hội Nông dân phường Tân Lộc và Hội Nông dân quận Thốt Nốt đề xuất Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Cần Thơ hỗ trợ đầu tư Dự án “Trồng mới và chăm sóc vườn cây ăn trái” tại 3 khu vực: Trường Thọ 1, Tân An và Long Châu. Dự án do ông Huỳnh Bảo Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Lộc, làm chủ, được giải ngân hồi tháng 4/2020 từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố với số tiền 500 triệu đồng. Số tiền trên được giải ngân cho 12 hộ, mức vay bình quân từ 35 đến 50 triệu đồng/hộ, với phí cho vay 0,7%/tháng, thủ tục vay đơn giản dưới hình thức bảo lãnh tín chấp của Ủy ban nhân dân phường Tân Lộc, Hội Nông dân phường và uy tín của hộ vay. Các hộ vay còn được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Sau 3 thực hiện Dự án, mỗi hộ thu nhập bình quân từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Đến nay thu hút thêm 15 hộ tham gia Tổ hợp tác, diện tích canh tác tăng thêm 15 ha, giải quyết cho 20 lao động có việc làm ổn định, đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân ít nhất từ 50.000 đến 100.000 đồng/hộ/năm…
Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân không chỉ giúp hội viên nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Quỹ Hỗ trợ nông dân; xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và xây dựng dự án mới, phù hợp tình hình thực tế địa phương; quan tâm huy động các nguồn lực nhằm tăng cường nguồn Quỹ, giúp thêm nhiều hội viên khó khăn được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.
Hiệu quả của nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên nông dân trên địa bàn thành phố đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Lê Thị Thuỷ
Hội Nông dân thành phố Cần Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *