Hoạt động của hội

Hội thi “Nhà nông đua tài” thành phố Cần Thơ năm 2022 đã sẵn sàng


Hội thi “Nhà nông đua tài” thành phố Cần Thơ năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 24/6, tại Hội trường Thành ủy Cần Thơ. Trước thềm Hội thi, Ban Biên tập Website Hội Nông dân thành phố có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Thị Thiên Thư (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài” thành phố Cần Thơ năm 2022 xoay quanh công tác chuẩn bị.
* Xin đồng chí cho biết chủ trương tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài” thành phố Cần Thơ năm 2022?
Hội thi “Nhà nông đua tài” thành phố Cần Thơ năm 2022 được thực hiện theo chủ trương của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và sự thống nhất của Thường trực Thành ủy Cần Thơ (Kế hoạch số 322-KH/HNDTW ngày 09/6/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tổ chức Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc lần thứ V – năm 2022; Công văn số 3679-CV/HNDTW ngày 17/01/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc tổ chức Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc lần thứ V – năm 2022).
* Hội thi “Nhà nông đua tài” thành phố Cần Thơ năm 2022 có mục đích, yêu cầu và nội dung gì?
Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thi đặt ra các mục đích, yêu cầu và nội dung của Hội thi như sau:
– Về mục đích
Hội thi “Nhà nông đua tài” cấp thành phố năm 2022 là một hoạt động chính trị rộng lớn trong toàn hệ thống Hội nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức nhiều mặt cho cán bộ, hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam; là hoạt động thiết thực của các cấp Hội và hội viên nông dân chào mừng các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước và của Hội trong năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2018-2023, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Hội thi góp phần nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên nông dân, thúc đẩy việc áp dụng những kinh nghiệm hay, kỹ thuật khoa học và công nghệ tiên tiến có hiệu quả vào sản xuất và đời sống. Tạo điều kiện đẩy mạnh các phong trào thi đua trong hội viên, nông dân nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, thi đua xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh.
Hội thi là “sân chơi” tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân có cơ hội được giao lưu văn hoá, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, đồng thời tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết cán bộ, hội viên nông dân giữa các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Về yêu cầu
Tổ chức Hội thi với nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả; đảm bảo khách quan, công bằng trong đánh giá và thực hiện nghiêm quy chế, thể lệ Hội thi; tạo không khí vui tươi phấn khởi trong cán bộ Hội, hội viên nông dân; đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch COVID-19.
Có sự tham gia tích cực của tất cả các cấp Hội từ thành phố đến cơ sở, các chi, tổ Hội và hội viên, nông dân.
Huy động, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp “đồng hành cùng nhà nông” để có sự hỗ trợ về các mặt như nguồn lực, kiến thức câu hỏi thi,… cho Hội thi.
– Về Nội dung
Hội thi tìm hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những nội dung về công tác Hội và phong trào nông dân. Kiến thức, khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản) an toàn, hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, công nghệ số, công nghệ 4.0. Những kiến thức về kinh tế hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp. Những kiến thức về hợp tác, hội nhập quốc tế. Tìm hiểu kiến thức về xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, nông dân văn minh.
* Phạm vi, điều kiện và đối tượng tham gia dự thi; hình thức, thể lệ, câu hỏi và các giải thưởng như thế nào, thưa đồng chí?
– Phạm vi: Hội thi “Nhà nông đua tài” thành phố Cần Thơ năm 2022 được tổ chức trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
– Đối tượng dự thi: Là cán bộ chi Hội, tổ Hội và hội viên nông dân hiện đang sinh hoạt trong các chi Hội, tổ Hội nông dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
– Điều kiện tham gia dự thi: Thí sinh tham gia đội thi phải có phiếu đăng ký dự thi (theo mẫu của Ban Tổ chức Hội thi) và phải có thẻ hội viên Hội Nông dân Việt Nam để Ban Tổ chức Hội thi kiểm tra khi dự thi. Các quận, huyện nộp danh sách trích ngang và ảnh 4x6cm của các thí sinh trong đội dự thi, thí sinh không đúng đối tượng đã đăng ký không được dự thi; Trong quá trình dự thi nếu phát hiện đội nào có thí sinh ngoài danh sách đăng ký dự thi, Ban Tổ chức sẽ hủy bỏ kết quả của đội tuyển. Trong trường hợp đặc biệt nếu cần thay đổi thí sinh, phải báo cáo bằng văn bản với Ban Tổ chức Hội thi trước khi diễn ra Hội thi ít nhất 01 (một) ngày. Thí sinh thay thế phải có đầy đủ hồ sơ đăng ký dự thi. Quá trình thi các thí sinh phải đeo số báo danh, riêng đội trưởng đeo băng choàng do Ban Tổ chức Hội thi trang bị. Trang phục dự thi của đội thi do Hội Nông dân cấp huyện lựa chọn phù hợp với văn hóa của từng địa phương, dân tộc.
– Hình thức tổ chức: Hội thi được tổ chức bằng hình thức sân khấu hoá.
Mỗi Hội Nông dân cấp quận, huyện thành lập 01 đội dự thi gồm 10 thành viên (trong đó tỷ lệ thành viên nữ ít nhất là 40%). Mỗi đội thi sẽ tham gia 04 phần thi, gồm:
Phần 1: Lời chào nông dân
Nội dung thi: Đội thi giới thiệu về quê hương (nhũng đặc trưng về vùng đất, con người, kinh tể, văn hỏa…), về hoạt động Hội, phong trào nông dân địa phương và thành phần của đội thi.
Hình thức thể hiện: Thông qua giới thiệu bằng lời kết hợp hình ảnh, múa hát, thơ ca…
Mỗi đội thi tối đa 10 thí sinh được tham gia.
Thời gian thi: Mỗi đội thể hiện phần thi này trong 06 phút; nếu quá giờ sẽ bị trừ điểm, quá 01 phút thì trừ 03 điểm, cứ quá 15 giây tiếp theo trừ 01 điểm, quá 02 phút không tính điểm.
Điểm thi tối đa: 20 đỉểm/01 giám khảo.
Phần 2: Nghe nông dân nói
Nội dung thi: Thuyết trình một vấn đề thuộc các chủ đề sau:
+ Về sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, quảng bá nông sản, hàng hóa của nông dân giai đoạn hiện nay.
+ Sáng kiến, sáng chế, ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng công nghệ số… trong sản xuất nông nghiệp.
+ Xây dựng nông thôn mới; hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, họp pháp của nông dân; trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội, bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…
+ Về xây dựng mô hình tổ hợp tác, họp tác xã, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
+ Tham gia đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn.
+ Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường nông thôn.
+ Về xây dựng chi Hội, tổ Hội nông dân vững mạnh; hội nhập quốc tế.
+ Về phòng, chống tệ nạn xã hội.
+ Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nông nghiệp.
về giảm nghèo bền vững.
Hình thức thể hiện: Đội thi cử đại diện thuyết trình bằng lời (được cầm văn bản nếu thấy cần). Mỗi đội thi tối đa 03 thí sinh được tham gia.
Thời gian thi: Mỗi đội thể hiện phần thi này trong 05 phút; nếu quá giờ sẽ bị trừ điểm, quá 01 phút thì bị trừ 03 điểm, cứ quá 15 giây tiếp theo trừ 01 điểm, quá 02 phút không tính điểm.
Điểm thi tối đa: 20 đỉểm/01 giám khảo.
Phần 3: Kiến thức nhà nông
Nội dung thi: Kiến thức hiểu biết thuộc các chủ đề như phần 2.
Hình thức thi: Phần thi này được chia làm 02 Bảng, mỗi Bảng có 04 đội. Các đội trong cùng một Bảng sẽ cùng nhau trả lời 10 câu hỏi do Ban Tổ chức đưa ra theo hình thức trắc nghiệm.
Đội thi được tham gia tối đa 03 thí sinh.
Thời gian tối đa cho mỗi câu hỏi và trả lời là 30 giây.
Điểm thi tối đa: 30 điểm/01 giảm khảo (mỗi câu tính 03 điếm).
Phần 4: So tài nhà nông
Phần thi này nhằm mục đích thể hiện năng khiếu, nghệ thuật, kỹ năng làm việc nhóm, sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của hội viên nông dân bằng các Tiểu phẩm vui (Kịch nói, Chèo, Tuồng, Ca hò, Cải lương…)
Hình thức thể hiện: Sân khấu hóa.
Nội dung: Tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phê phán những thói hư, tật xấu diễn ra ở nông thôn; tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu điển hình… theo các chủ đề như phần 2.
Ban Giám khảo chấm điểm trên cơ sở nội dung kịch bản được các đội gửi về trước và kết quả diễn xuất trong Hội thi; kịch bản được thể hiện trên văn bản đánh máy vi tính, khổ giấy A4 gửi về Ban Tổ chức Hội thi trước 07 ngày diễn ra Hội thi để chấm điểm nội dung.
Mỗi đội thi tối đa 10 thí sinh được tham gia.
Thời gian thi: Mỗi đội thể hiện phần thi này trong 07 phút; nếu quá giờ sẽ bị trừ điểm, quá 01 phút thì trừ 05 điểm, cứ quá 15 giây tiếp theo trừ 01 điểm, quá 02 phút không tính điểm.
Điểm thi tối đa: 30 điểm/01 giám khảo.
– Về Thể lệ Hội thi: Ban Tổ chức đã ban hành Thể lệ gồm, quy định chung có các phần: phạm vi áp dụng, đối tượng, số lượng dự thi, điều kiện tham gia dự thi; nội dung, hình thức thi; thể thức thi; cách tính điểm và giải thưởng; cuối cùng là điều khoản thi hành.
– Về câu hỏi thi: Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức đã ban hành 38 câu hỏi thi với nội dung xoay quanh nội dung chính của hội thi đã nêu trên.
– Về giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba; 05 giải khuyến khích; 05 giải thưởng phụ.
* Xin đồng chí cho biết thời gian, địa điểm, quy mô tổ chức và công tác chuẩn bị Hội thi đến giờ này?
– Về thời gian tổ chức: 01 ngày, ngày 24 tháng 6 năm 2022 (Thứ sáu).
– Về địa điểm: Tại Hội trường lớn Thành ủy Cần Thơ (số 01 đường Quang Trung, phường An Lạc, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ).
– Về quy mô Hội thi: Hội thi cấp thành phố, số lượng tham dự gồm 8 đội của Hội Nông dân 8 quận, huyện thuộc thành phố, mỗi đội thi 10 người. Số lượng khách mời và khán giả tham gia cổ động, ban tổ chức… tổng số hơn 400 đại biểu tham dự.
– Về công tác chuẩn bị cho Hội thi: Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố đã ban hành Kế hoạch tổ chức, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ thư ký Hội thi; Ban Tổ chức đã ban hành Thể lệ, Bộ Câu hỏi thi; phân công công việc cụ thể cho từng thành viên Ban tổ chức thực hiện nhiệm vụ; phối hợp các đơn vị có liên quan chuẩn bị địa điểm, trang trí, tuyên truyền cổ động cho Hội thi; xây dựng chương trình, kịch bản chi tiết cho Hội thi; đã tổ chức bốc thăm chia bản,… Các quận, huyện Hội đã thành lập Đội thi, đã tập dợt phần thi diễn của Đội; chuẩn bị cơ bản các điều kiện đủ để tham dự Hội thi. Nhìn chung, đến giờ này công tác chuẩn bị cho Hội thi “Nhà nông đua tài” thành phố Cần Thơ, năm 2022 cơ bản đã hoàn tất. Các Đội sẵn sàng bước vào phần thi diễn của mình.
* Xin cám ơn đồng chí! Chúc Hội thi thành công!
NGUYỄN VĂN ÚT (Thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *