Hoạt động của hội

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn


Thành uỷ Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 07/5/2017 của Thành uỷ Cần Thơ về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao thành phố. Ông Nguyễn Vũ Phương, Thành uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ, có cuộc trao đổi về vấn đề “Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Xin ông cho biết vai trò của các cấp Hội Nông dân thành phố trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08 của Thành uỷ như thế nào?
Nông dân đóng vai trò chủ thể trong hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, cụ thể: Được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương Hội, của Thành ủy, sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và các đoàn thể chính trị, 05 năm qua, Hội Nông dân thành phố phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 của Thành ủy nghiêm túc, thường xuyên, thu hút đông đảo người dân tham gia và đạt nhiều kết quả quan trọng, với 3 nội dung lớn như sau:
– Nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết số 08 của Thành ủy:
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội, trọng tâm là Nghị quyết số 08 của Thành ủy về “Xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, Kế hoạch số 123 của UBND thành phố về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 của Thành ủy Cần Thơ; Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 10 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về phát triển kinh tế tập thể… Hàng năm, Hội Nông dân thành phố chủ động cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch triển khai, quán triệt đến Hội Nông dân các cấp với nội dung liên quan trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các chương trình, kế hoạch này làm tài liệu sinh hoạt cho cán bộ, hội viên nông dân vừa học tập, vừa tổ chức tuyên truyền. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, công tác tuyên truyền, vận động của Hội đã tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, nông dân có nhiều kênh tiếp nhận thông tin; thông qua việc duy trì sinh hoạt tại chi, tổ hội, cơ sở Hội kịp thời nắm bắt tâm trạng, nguyện vọng của hội viên, nông dân liên quan đến chủ trương, chính sách, báo cáo đến cấp ủy, chính quyền, kịp thời triển khai và tổ chức hỗ trợ nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Kết quả 05 năm qua, tuyên truyền 30.686 cuộc, có 745.931 lượt người dự.
Qua đó, nông dân hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hội viên nông dân mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao và mang lại hiệu quả quan trọng, nâng cao chất lượng nông sản lên tầm cao mới. Nghị quyết của Thành ủy đã đi vào đời sống và sản xuất nông nghiệp của hội viên, nông dân thành phố.
– Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp:
Hàng năm, Hội Nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, khuyến nông, xây dựng mô hình trình diễn sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin cho 376.229 lượt hội viên, nông dân, góp phần gia tăng giá trị sản xuất cho bà con nông dân. Qua đó, Hội đã phối hợp phát hiện, hỗ trợ, chăm bồi gần 300 mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Hội Nông dân thành phố đã tổ chức 05 Hội thảo với chủ đề “Nông dân Cần Thơ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” có 756 cán bộ, hội viên nông dân tham dự, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân trực tiếp giao lưu với các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp thành công và trao đổi kinh nghiệm về khởi nghiệp, từ đó, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của hội viên nông dân ngày phát triển.
– Những kết quả đạt được qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 của Thành ủy:
Công tác vận động nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Các cấp Hội đã phát hiện, hỗ trợ, chăm bồi gần 300 mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể. Trong đó, nổi bật là Cần Thơ Pham (phường Long Hòa, quận Bình Thủy) là mô hình nông trại khép kín, với diện tích 8.000m2 sản xuất các mặt hàng rau sạch sản xuất nhiều chủng loại rau trong nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới phun tự động tiết kiệm nước kết hợp tham quan trải nghiệm và dịch vụ ẩm thực. Hay mô hình của nông dân Cao Phát Triển (phường Thới An, quận Ô Môn) ứng dụng công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin thiết kế, lắp đặt hế thống tưới, hệ thống phun thuốc cho vườn cây ăn trái điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh… Hay Mô hình ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật giúp nông dân giảm chi phí, hạn chế ngộ độc do thuốc bảo vệ thực vật và đã được tổ chức trình diễn tại huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh…
Vận động nông dân liên kết sản xuất: Các cấp Hội tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, vận động hội viên nông dân tích cực liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã với nhiều hình thức hợp tác để cùng sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ… Đến nay toàn thành phố có 142 HTX nông nghiệp với 2.774 thành viên, 1.384 tổ hợp tác với 51.930 hộ gia đình tham gia. Các mô hình này đã vận động thành viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, huy động nguồn vốn, lao động, tạo sự liên kết hợp tác với nhau và hợp tác với các doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Chủ động phối hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như: Mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng lớn (hình thành 113 cánh đồng, diện tích 85.000 ha, tập trung các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt); Mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường (ở huyện Thới Lai và Cờ Đỏ); Mô hình vườn cây ăn trái kết hợp khai thác dịch vụ du lịch (tập trung ở huyện phong Điền, quận Bình Thủy và quận Cái Răng… Đặc biệt 27 hộ nông dân khu vực Cồn Sơn liên kết với nhau làm du lịch cộng đồng, mỗi nhà một sản phẩm, phục vụ khách tham quan mô hình đón hàng trăm lượt khách/ ngày đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân); Mô hình nuôi lươn không bùn (ít tốn diện tích, tiết kiệm chi phí mang lại thu nhập khá ổn định, không gây ô nhiễm môi trường, đang được nhân rộng tại các địa bàn các quận, huyện); Mô hình sản xuất rau an toàn (tập trung xây dựng tại Hợp tác xã rau an toàn phường Long Tuyền, với quy mô sản xuất 15 ha, 9 hộ tham gia; Hội Nông dân phối hợp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra, phối hợp xây dựng lịch sản xuất cho nông dân, xây dựng dự án cho 9 hộ dân vay vốn với số tiền 500 triệu đồng để xây dựng nhà lưới và mở rộng diện tích sản xuất).
Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại: Các cấp Hội đã chủ động xây dựng 34 nhãn hiệu, trong đó có 12 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận, 07 nhãn hiệu đã được cấp Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và 15 nhãn hiệu đã nộp đơn và đang hoàn thiện thủ tục. Đồng thời, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản trên lúa gạo, ổi ruột hồng (xã Thới Tân huyện Thới Lai), cá thát lát (phường Bùi Hữu Nghĩa quận Bình Thủy), sầu riêng Tân Thới (huyện Phong Điền),…góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Cần Thơ và giới thiệu đến người tiêu dùng.
Phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ NHO NHO thực hiện dự án Phát triển nhãn hiệu Sầu riêng Tân Thới, huyện Phong Điền; Phối hợp với Trung tâm Thông tin Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ) thực hiện dự án Phát triển thương hiệu Gạo sạch Thạnh Đạt, nhằm quảng bá, giới thiệu và cung cấp sản phẩm nông sản Cần Thơ đến tay người tiêu dùng.
Thực hiện Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Các cấp Hội chủ động phối hợp ngành nông nghiệp thực hiện cầu nối liên kết doanh nghiệp trong việc bao tiêu nông sản. Hiện có khoảng 1/3 diện tích cánh đồng lớn được bao tiêu thông qua hợp đồng chính thức, còn lại chủ yếu thỏa thuận hoặc biên bản làm việc; vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ triển lãm quốc tế hội nghị trong và ngoài thành phố; phối hợp với Đài Truyền thanh, Đài Truyền hình thành phố đưa tin bài giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mô hình hay về hợp tác xã dưới dạng chuyên đề.
Hỗ trợ vốn cho nông dân: Hội Nông dân thành phố ưu tiên nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân gần 40 tỉ đồng, xây dựng được 325 dự án (là thành viên của tổ hợp tác, HTX) và cho 3.559 lượt hộ hội viên, nông dân vay phục vụ cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, trong đó có sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Hoạt động ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với hộ nghèo và các chính sách khác dư nợ gần 1.002 tỷ đồng.
Xin ông cho biết thực hiện Nghị quyết số 08 có những khó khăn gì?
– Vốn đầu tư ứng dụng công nghệ cao ban đầu rất lớn nên dẫn đến tâm lý e ngại đầu tư sợ rủi ro; chi phí đầu tư cho sản xuất lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao, gây khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường.
– Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức và trình độ. Nhưng lao động trẻ có trình độ thì thường ra thành phố làm việc, còn lại lao động nông thôn chủ yếu là người già và phụ nữ lớn tuổi nên việc tiếp thu kiến thức, quy trình công nghệ mới còn hạn chế.
– Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra một số lượng nông sản lớn, nếu không tính toán kỹ về thị trường sản phẩm làm ra sẽ không tiêu thụ hoặc khó tiêu thụ được.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08, ông có kiến nghị gì?
– Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, kể cả cán bộ quản lý và người lao động, để họ có trình độ kỹ thuật, kỹ năng thực hiện nông nghiệp công nghệ cao.
– Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
– Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình nông dân tiếp cận thị trường, các yếu tố đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định, lâu dài để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình nông dân yên tâm đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Văn Út-Tú Anh (thực hiện)
Hội Nông dân thành phố

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *