Hoạt động của hội

Tăng cường đào tạo, chuyển đổi nghề lao động nông nghiệp nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long


Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng với Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo tham vấn “Thực trạng và định hướng đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ÐBSCL đến năm 2030” (ảnh).
Nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp và nông thôn tại vùng ÐBSCL, Cục Kinh tế Hợp tác đang tiến hành xây dựng Ðề án đào tạo, chuyển đổi nghề lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ÐBSCL đến năm 2030 (Ðề án). Mục tiêu của Ðề án nhằm đào tạo, cung cấp tri thức cho nông dân, lao động nông nghiệp, nông thôn; từ đó nâng cao trình độ, hướng đến sự chuyên nghiệp và tạo việc làm bền vững. Ðồng thời chuyển dịch lao động trong ngành nông nghiệp và từ nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế, cũng như sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng xu hướng tiêu dùng; góp phần nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ÐBSCL…
Theo kết quả nghiên cứu Ban soạn thảo Đề án, tỷ lệ thất nghiệp vùng ĐBSCL (3,65%) cao hơn so với cả nước (3,20%), có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt tăng nhanh giai đoạn 2020 – 2021 do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 2,79% năm 2011 lên 3,65%/ năm 2021; Lực lượng lao động vùng ĐBSCL có xu hướng giảm (-0,83%/năm) do xu hướng dân số già hóa và di cư lao động từ nông thôn – thành thị tăng (-6,5‰, 2011; -12,5‰, 2021); Việc làm vùng ĐBSCL có tốc độ giảm nhanh (-0,94%/năm) hơn so với tốc độ giảm của lực lượng lao động (-0,83%/năm); Trình độ lao động vẫn còn thấp. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo tăng từ 8,6% năm 2011 lên 14,6% năm 2021, thấp hơn so với cả nước (26,1%); Năng suất lao động tăng qua các năm (9,1%/năm), nhưng thấp hơn so với cả nước (22,8%/năm); Năng suất ngành NLTS vùng ĐBSCL cao hơn so với cả nước (cao hơn 9,97%, 2021). Nhưng, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ngành NLTS vùng ĐBSCL (11,5%/năm) thấp hơn đáng kể so với cả nước (27,7%/năm); Thu nhập lao động được cải thiện qua các năm (năm 2021 tăng 33,7% so với 2016), nhưng thấp hơn so với cả nước (năm 2021 tăng 35,7% so với 2016).
Tại hội thảo, bên cạnh cập nhật, cung cấp các thông tin về việc triển khai xây dựng Ðề án và trình bày dự thảo Ðề án, Ban tổ chức đã dành nhiều thời gian để đại biểu thảo luận, góp ý. Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự cần thiết phải tăng cường công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn tại vùng ÐBSCL và thống nhất cao với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp… đã được nêu trong dự thảo Ðề án. Tuy nhiên, các đại biểu cũng kiến nghị cần quan tâm mở rộng đối tượng đào tạo tại các địa phương nhằm hình thành lực lượng nông dân chuyên nghiệp trên nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, gắn với nâng cao các kiến thức, kỹ năng về thị trường, tổ chức xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị… Ðồng thời, có thêm các chính sách ưu đãi, khuyến khích trong chuyển đổi nghề và nâng mức hỗ trợ về tài chính để khuyến khích lao động nông nghiệp, nông thôn tham gia các lớp và chương trình đào tạo nghề có điều kiện phát triển sinh kế sau đào tạo. Chú ý đào tạo nghề gắn nhu cầu thực tế tại các địa phương gắn với việc có chính sách thu hút, giữ chân lao động trẻ tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ða dạng hình thức đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn tại các địa phương, cũng như tăng cường đưa lao động đi xuất khẩu lao động và học tập, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại các nước.
Lê Thị Hoa
Hội Nông dân thành phố

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *