Hoạt động hội - Huyện Cờ Đỏ

Trồng xen canh – Hướng đi mới cho nông dân Cờ Đỏ

Ông Nguyễn Vũ Phương, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ, (đứng thứ hai từ bên trái) thăm mô hình trồng xen canh cây ăn trái ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

             Vài năm trở lại đây, nông dân Cờ Đỏ chọn phương án trồng xen canh 2 loại cây ăn trái trên cùng diện tích bước đầu mang lại hiệu quả. Mô hình này giúp nông dân hạn chế rủi ro – được mùa mất giá, trồng rồi chặt. Sự nhạy bén trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lựa chọn chủng loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao để phát triển mô hình làm vườn giúp nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
                         Xen canh mít và thanh nhãn Bạc Liêu
Năm 2019, sau khi thuê được 2,5ha đất ở Nông trường Sông Hậu, ông Lê Văn Suốt (ấp 5, xã Thới Hưng) đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng mít xen canh thanh nhãn Bạc Liêu. Gần 3 năm chăm sóc, đến nay, vườn mít cho thu nhập ổn định, hơn 500 triệu đồng/năm, thanh nhãn Bạc Liêu cũng đang phát triển xanh tốt. Ông Suốt cho biết: “Mít thái có tuổi thọ không cao nên tôi trồng xen canh với thanh nhãn Bạc Liêu. Dự kiến, sau 3-4 năm thu hoạch mít sẽ đốn bỏ để chăm sóc vườn thanh nhãn Bạc Liêu. Hình thức trồng xen canh giúp tôi tiết kiệm được thời gian cải tạo mới và có thu nhập ổn định”. Hiện trung bình mỗi tháng ông Suốt thu hoạch khoảng 10 tấn mít với giá dao động từ 15.000 – 40.000 đồng/kg.
Theo ông Suốt, để trồng đạt hiệu quả, người trồng phải thường xuyên tham dự các lớp tập huấn để ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khu vườn của gia đình. Với kinh nghiệm của bản thân cộng với kiến thức đã học, ông Suốt làm đúng theo các quy trình nên vườn mít lúc nào cũng xanh tốt và cho trái quanh năm. Ông Suốt cho biết thêm: “Để hạn chế sâu ăn trái, khi trái mít non to bằng cổ tay là có thể bao lưới. Cách làm này vừa hiệu quả mà còn tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường”. Đối với cây mít đang cho trái phải thường tỉa cành, tuyển trái, tùy vào từng cây mà để số lượng trái ít hay nhiều. Một số bệnh thường gặp trên cây mít là bị xì mù, bị xơ đen. Theo ông Suốt, để hạn chế xơ đen, người trồng phải bón phân cân đối, kết hợp với tuyển trái và phun thuốc phòng ngừa để hạn chế các hiện tượng trên.
Không chỉ phát triển mô hình làm vườn, ông Suốt còn ký hợp đồng với các công ty phát triển mô hình nuôi cá tra gia công với diện tích ao nuôi 1,3ha. Trung bình, mỗi năm ông Suốt thu nhập gần 1 tỷ đồng tiền nuôi cá tra gia công.
                     Xen canh na Đài Loan và thanh nhãn Bạc Liêu
Gần đây, mặt hàng trái cây rất bất bênh, thường được mùa mất giá. Vì vậy, nông dân không trồng chuyên canh một loại cây ăn trái. Anh Nguyễn Văn Chương (ấp 1, xã Thới Hưng) đã phát triển mô hình trồng na Đài Loan (mãng cầu) xen canh thanh nhãn Bạc Liêu. Với diện tích 30 ha đất thuê ở Nông trường Sông Hậu, anh Chương trồng được 24.000 cây na với 3.000 cây thanh nhãn Bạc Liêu. Hiện vườn nhãn đang chuẩn bị ra hoa, còn na Đài Loan được anh Chương phát triển mô hình ghép bán cây giống. Anh Chương cho biết: “Na Đài Loan được xem là giống mới, với ưu điểm không cần thụ phấn, ít hạt, quả to, ngọt, chưa được trồng phổ biến nên tôi quyết định nhân giống để bán ra thị trường”. Năm 2020, anh Chương đã xuất bán được 2.000 cây na Đài Loan với giá 55.000 đồng/ cây. Hiện anh Chương đang ghép và nhân giống được 7.000 cây na Đài Loan. Dự kiến, anh Chương tiếp tục thuê thêm 6ha đất ở Nông trường Sông Hậu để mở rộng diện tích trồng na Đài Loan để bán cây giống.
Anh Chương chia sẻ: “Tôi đang trồng thí nghiệm na Đài Loan xen thanh nhãn Bạc Liêu. Qua 2 năm chăm sóc, 2 loại cây ăn trái rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Tôi sẽ phát triển mô hình ghép cây na bán cây giống ra thị trường kết hợp với việc xử lý cho thanh nhãn ra hoa để có thu nhập. Sau 3 đến 4 năm, tôi sẽ đốn bỏ thanh nhãn Bạc Liêu để phát triển mô hình trồng na Đài Loan chuyên canh”. Ngoài việc ghép bán cây giống na Đài Loan, trên 2000 gốc thanh nhãn Bạc Liêu của anh Chương cũng đang ra hoa. Dự kiến, đến tháng 7 âm lịch là vườn nhãn cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Để giúp hội viên ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật huyện tổ chức 12 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc vườn cây ăn trái, trồng lúa với 400 lượt hội viên tham gia; tổ chức 17 cuộc hội thảo đầu bờ về kỹ thuật trồng mít với 578 lượt cán bộ, hội viên tham gia…”.
Các cấp Hội còn tạo điều kiện cho 6.355 hộ vay với số tiền 186 tỷ đồng để phát triển sản xuất; nhận ủy thác từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với số tiền gần 3 tỷ đồng cho 97 hộ vay phát triển sản xuất mô hình làm vườn tại xã Thới Hưng. Sắp tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục vận động hội viên phát triển các mô hình kinh tế tập thể; ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất để phát triển mô hình làm vườn theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Lê Thị Hoa
Hội Nông dân thành phố Cần Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *