Hoạt động hội - Huyện Cờ Đỏ

Công tác vận động hội viên, nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế vườn, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Lễ ra mắt chi Hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao Đại Lộc (ấp Phước Lộc, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ).

Huyện Cờ Đỏ là huyện nông nghiệp của thành phố Cần Thơ, kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ xác định công tác “Xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp” là nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Hội Nông dân huyện và các xã, thị trấn, tập trung tuyên truyền, vận động để hội viên thay đổi nhận thức trong việc tham gia vào mô hình kinh tế tập thể, tạo chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện nhà góp phần vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ gồm 10 cơ sở Hội (9 xã, 1 thị trấn), có 85 chi Hội (trong đó có 74 chi Hội theo cụm dân cư). Tổng số hội viên là 17.742, chiếm 62% trên tổng số quần chúng theo quy định điều lệ Hội.
Để tập hợp thu hút đông đảo hội viên tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế vườn, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, Hội xác định phải hướng các hoạt động về chi Hội, gần gũi với hội viên, làm cho hội viên tin tưởng vào tổ chức Hội cùng chung tay thực hiện các nhiệm vụ. Các kế hoạch, hoạt động của Hội đều được thảo luận lấy ý kiến trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, việc xây dựng mô hình, chọn chi Hội, cá nhân để thực hiện mô hình tại địa phương gắn với nhiệm vụ của Đảng ủy, UBND giao hàng năm. Khảo sát, nắm điểm mạnh, điểm yếu, ưu điểm và hạn chế của từng chi Hội để lựa chọn xây dựng mô hình, phân công thành viên Ban Chấp hành phụ trách từng phần việc cụ thể trong việc xây dựng mô hình. Thường xuyên phối hợp với Bí thư chi bộ, trưởng ấp, Ban Công tác Mặt trận để trao đổi các nhiệm vụ.
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan trực tiếp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hội viên, nông dân chuyển đổi từ mô hình cải tạo vườn gắn với việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể tạo thế mạnh trong quản lý, phát triển chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Hằng năm, Hội Nông dân huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đồng thời ký kết giao chỉ tiêu cho các cấp Hội cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nông dân tham gia xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể, kinh tế vườn gắn với nhiệm vụ của công tác Hội và phong trào nông dân ở địa phương như tham gia cánh đồng lớn, tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã… và đăng ký tham gia các mô hình dân vận khéo, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay đã thành lập 11 chi Hội Nông dân nghề nghiệp, 86 tổ hội nông dân nghề nghiệp có 600 thành viên, nâng tổng số tổ Hội đến nay là 369 tổ (trong đó, tổ Hội theo cụm dân cư là 283) toàn huyện có 39 hợp tác xã nông nghiệp với 1.364 thành viên tham gia. Trong đó, có 12 hợp tác xã được thành lập từ các tổ hợp tác và chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, như: HTX nhãn Thái Thanh, HTX rượu Mãng cầu ở xã Thới Hưng, HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Mỹ Phát, Hợp tác xã Công Danh xã Đông Thắng; Hợp tác xã Hiệp Mỹ Phát và Hợp tác xã Hữu Thạnh ở Đông Hiệp, HTX nuôi lươn Phước Lộc Hòa, Hợp tác xã “Tâm Chiến” xã Thạnh Phú, HTX nông nghiệp An Xuân của xã Thới Xuân. Có 50 tổ hợp tác có hợp đồng bao tiêu trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, có trên 400 thành viên với trên 335 ha diện tích.
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với việc xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội phối hợp với ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn hồ sơ đăng ký và thực hiện các sản phẩm OCOP. Đến nay có 9 sản phẩm được xếp hạng cấp thành phố, trong đó, có 5 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 4 sản phẩm được xếp hạng 3 sao. Cụ thể, 5 sản phẩm đạt 4 sao gồm: Trà mãng cầu Kim Nhiên (xã Thới Hưng), trà mãng cầu Cường Tím (xã Thới Hưng), Rượu mãng cầu Thới Hưng (xã Thới Hưng), Đông Trùng Hạ Thảo sấy thăng hoa Huấn Xoa (xã Thạnh Phú), Đan đát lục bình Cờ Đỏ (thị trấn Cờ Đỏ); 4 sản phẩm đạt 3 sao gồm: Thanh Nhãn Lê Gia (xã Thới Xuân), Bưởi da xanh Thuận Phát (xã Đông Thắng), Sầu riêng Chị Thảo (xã Trung Thạnh) và Măng Tây Ri Bo (xã Đông Hiệp). Đồng thời, giới thiệu các hợp tác xã, các sản phẩm OCOP tham gia các chương trình kết nối cung cầu, trưng bày sản phẩm tại phiên chợ tuần nông sản an toàn thực phẩm do Siêu thị Big C tổ chức, các sản phẩm như trà mãng cầu Kim Nhiên, Cơm rượu Trung Thạnh, Đông trùng hạ thảo… Ngoài ra, giúp nông dân duy trì và hỗ trợ trong sản xuất từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, những năm qua, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ cho trên 575 lượt hội viên, nông dân vay vốn (trung bình hàng năm trên 4 tỷ đồng), góp phần phát triển kinh tế hộ và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả.
Từ hiệu quả của các mô hình đã thu hút nông dân các địa phương trong và ngoài nước tham quan học tập chia sẻ kinh nghiệm. Năm 2022, Hội Nông dân huyện đã phối hợp tiếp đoàn DISADECO Philippines đến tham quan mô hình trồng lúa chất lượng cao tại Hợp tác xã Tiến Dũng và Hợp tác xã An Phú, xã Thạnh Phú.
Tuy nhiên, xây dựng mô hình kinh tế tập thể vẫn còn nhiểu khó khăn. Công tác quản trị ở một số hợp tác xã còn lúng túng chưa có sự kết nối hoạch định, định hướng trong sản xuất cũng như trong kinh doanh, chưa có chiến lược kết nối thị trường, còn thụ thuộc rất lớn ở các doanh nghiệp không có vùng nhiên liệu để sản xuất giống cũng như kho lưu trữ hàng hóa sau thu hoạch, thiếu vốn, trụ sở hợp tác xã đa phần là tạm. Việc liên kết “4 nhà” chưa thật sự chặt chẽ và bền vững; giá cả thị trường không ổn định, tình trạng được mùa rớt giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh. Một số ít nông dân còn trông chờ, chưa biết phát huy lợi thế, tiềm năng, nguồn lực sẳn có chưa mạnh dạn chuyển đổi các mô hình để phát triển sản xuất.
Thời gian tới, các cấp Hội cần đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân tham gia vào Hội, tổ chức thực hiện các phong trào với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực. Mở rộng và đẩy mạnh phát triển mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo tiêu chí 05 cùng “Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi”, tạo sự gắn bó mật thiết giữa hội viên nông dân với tổ chức Hội. Thực hiện hiệu quả việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân, phối hợp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, nâng cao vị thế của tổ chức Hội. Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Hội, nâng cao chất lượng công tác quản lý hội viên, tiếp tục rà soát chất lượng hội viên nông dân, hội viên nông dân tiêu biểu để làm nòng cốt, có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn duy trì nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả .
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020; tăng cường công tác tuyên truyền vận động nông dân học tập nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, chủ động sáng tạo hơn trong sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn hiệu quả và củng là góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Xác định tầm quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên và người dân tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế vườn gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu sản xuất tạo sự liên kết, hợp tác trong sản xuất là hướng đi tất yếu cho phát triển kinh tế bền vững phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, bởi lẽ hợp tác liên kết lại mới tạo ra khu sản xuất tập trung, tạo cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu lớn và là cơ sở quan trọng để đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất theo quy trình công nghệ, tiêu chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng sản phẩm chuỗi giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, tạo ra lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng được yêu cầu của thị trường có sức cạnh tranh trong tiêu thụ hàng hóa, khắc phục được những nhược điểm mà mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ chưa thể làm được.
Nguyễn Huy Hoàng
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *