Hoạt động của hội

Công tác dạy nghề cho lao động là nông dân nông thôn gắn với giải quyết việc làm

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” (gọi tắt là Chỉ thị 19-CT/TW). Dịp này, Ban Biên tập Website Hội Nông dân thành phố Cần Thơ trao đổi với bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, (ảnh) xung quanh công tác dạy nghề cho lao động là nông dân nông thôn trên địa bàn thành phố Cần Thơ gắn với giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo.
* Việc tổ chức tuyên truyền, triển khai Chỉ thị số 19-CT/TW trong các cấp Hội Nông dân thành phố như thế nào, thưa bà?
Triển khai tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW, Hội Nông dân thành phố tổ chức lồng ghép vào các cuộc hội nghị Ban Chấp hành, sinh hoạt chi, tổ Hội, các buổi họp giải ngân dự án,… Song song đó, hàng năm chỉ đạo các quận, huyện và cơ sở Hội trực thuộc xây dựng kế hoạch về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong 10 năm qua, các cấp Hội Nông dân đã tuyên truyền được 158.754 cuộc, có 1.482.786 lượt người tham dự. Qua đó, nhận thức của các cấp Hội và hội viên nông dân được nâng lên. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn có sự chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và đề ra nhiều giải pháp phù hợp, thiết thực thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW có hiệu quả.
Hằng năm, Hội Nông dân thành phố xây dựng kế hoạch công tác Hội lồng ghép công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo các cấp Hội phối hợp ngành chức năng rà soát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân cho 2 loại hình là nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW.
* Xin bà cho biết kết quả dạy nghề cho lao động là nông dân nông thôn trên địa bàn thành phố trong 10 năm qua?
– Về tư vấn miễn phí dạy nghề: Trong 10 năm qua, Hội Nông dân thành phố phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức tư vấn miễn phí về dạy nghề cho đối tượng lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có đủ trình độ và sức khoẻ phù hợp với nghề cần học, bao gồm các đối tượng lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lao động thủ công, tiểu thương và lao động nông thôn bao gồm các ngành như: tin học, điện lạnh, hàn, sửa xe gắn máy, sửa chữa điện tử, xây dựng, may gia dụng, may công nghiệp, nề, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, thú y, trồng hoa kiểng.
– Về dạy nghề: Hội phối hợp dạy nghề ngắn hạn 1.465 lớp cho 43.950 người tham dự, gồm các ngành như: chăn nuôi, trồng trọt, nề, đan đát, thảm, chầm nón, uốn tóc, may công nghiệp, sửa xe, trồng lúa,… Kết quả sau khi được đào tạo nghề ngắn hạn có 30.765 người có việc làm sau đào tạo. Nhìn chung, học viên được nâng cao kiến thức, tay nghề cũng như các kỹ năng nghề của người lao động.
Qua học nghề đã giúp nông dân tiếp cận với các ngành nghề mới, thêm cơ hội có việc làm, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, đã giúp 11.513 hộ thoát nghèo, có việc làm thường xuyên; xây dựng được 55 mô hình làm ăn có hiệu quả, giảm được số lao động dư thừa ở nông thôn.
– Về tư vấn nghề và việc làm: Đã tư vấn cho 55.584 người, trong đó có 42.671 người nhận được việc làm trong nước; giới thiệu đi lao động nước ngoài 34 người, trong đó có 13 người đã đi được các nước như: Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản (chủ yếu huyện Cờ Đỏ và Phong Điền).
– Về tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Các cấp Hội Nông dân thành phố đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân hiến 303.399m2 đất, hoa màu cùng với địa phương thực hiện chỉnh trang trật tự đô thị, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn; tham gia dặm vá, nâng cấp, sửa chữa và làm mới 75,425km đường giao thông; đóng góp 789,132 triệu đồng với 143.987 ngày công lao động; phối hợp thực hiện mô hình lắp đèn trước ngõ với tuyến đường dài 2.280m, xây dựng 16 mô hình vệ sinh, tổng trị giá 878 triệu đồng. Song song đó, các cấp Hội tham gia phối hợp sửa chữa, bắc mới 61 cầu bê tông, khởi công 01 tuyến đường mới dài 1.500m (ngang 02m), nạo vét nâng cấp, kiên cố hóa 61,115km các tuyến kênh mương, với tổng trị giá 24 tỷ 591 triệu đồng.
Các cấp Hội Nông dân thành phố còn vận động xây dựng được 203 căn “Mái ấm nông dân” cho 203 cán bộ, hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, mỗi căn hỗ trợ 40 triệu đồng, với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng.
Hội Nông dân thành phố đã chủ động phối hợp với 13 sở, ngành, nhiều doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần góp phần thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội trên địa bàn. Điển hình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động nông dân liên kết sản xuất, góp phần hạn chế rủi ro, tăng lợi nhuận. Phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố hỗ trợ vốn cho nông dân theo chương trình, mục tiêu cụ thể, giúp nông dân phát triển sản xuất, thoát nghèo. Phối hợp Sở Công Thương thành phố giới thiệu, quảng bá nông sản của điạ phương; vận động nông dân đăng ký gia đình văn hóa; vận động mua Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội trong hội viên; tuyên truyền vận động nông dân chấp hành luật giao thông, không vi phạm tệ nạn xã hội…
* Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030 như thế nào?
Hội Nông dân thành phố tiếp tục triển khai Chỉ thị số 19-CT/TW nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đạo hóa nông nghiệp, nông thôn. Các cấp Hội tuyên truyền, vận động, tư vấn học nghề, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề lao động nông thôn. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về công tác đào tạo nghề đối với việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hằng năm phối hợp ngành hữu quan rà soát ngành nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả. Phối hợp tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn về quy mô và chất lượng đào tạo, gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập và phát triển lao động; đồng thời gắn đào tạo phù hợp thế mạnh của từng địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Nhân rộng các mô hình có hiệu quả gắn với các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
* Xin cám ơn bà!

Nguyễn Văn Út (thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *