Hoạt động của hội

Kết quả phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sử dụng máy cảm biến đo thời tiết, khí hậu tại ruộng lúa.

Nửa nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ vận động nông dân từng bước thay đổi dần tập quán canh tác truyền thống sang áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với quy hoạch và đặc điểm sản xuất từng vùng sinh thái của thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Kết quả đã tổ chức tập huấn được 1.194 cuộc với 38.427 lượt nông dân tham dự; 741 cuộc hội thảo với 9.027 lượt người tham dự; tham quan 5 cuộc với 123 lượt người tham dự gồm các nội dung: ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa, rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản… Đồng thời, tiếp tục triển khai các đề tài, dự án, mô hình giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất như mô hình Cánh đồng lớn, dự án VnSAT, dự án sáng kiến phát triển lúa gạo châu Á,…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ cây, con giống trong năm 2019-2020, đã triển khai hỗ trợ khoảng 300.000 cây, con giống các loại với tổng kinh phí là 4,828 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của thành phố và các quận, huyện. Qua đó, nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao chiếm trên 70%; xây dựng được 131 mô hình cánh đồng lớn với diện tích 31.793ha; 40% diện tích cánh đồng lớn được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 50-150 đồng/kg đối với lúa hàng hóa và từ 300 – 500 đồng/kg đối với giống lúa cấp xác nhận; có 360ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và 100ha sản xuất đạt chuẩn GlobalGAP.
Hiện đã mở rộng 18 vùng sản xuất rau với diện 229ha, sản lượng 28.390 tấn; diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 10,2ha, tập trung tại quận Bình Thủy. Xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung với 2.469ha trồng xoài; 996ha nhãn; 975ha vú sữa; 789ha sầu riêng; 443ha dâu Hạ Châu,…; xây dựng 37 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận tăng gấp 1,5-2 lần so với chuyên canh cây ăn trái. Có 16 hợp tác xã trồng cây ăn trái tại các quận, huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng, Cờ Đỏ và Phong Điền đạt chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích 268ha và 339 hộ. Đồng thời, cấp 07 mã code xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Úc và Hàn Quốc cho các vùng cây ăn trái tại huyện Cờ Đỏ, Phong Điền và quận Thốt Nốt với diện tích 98,4 ha và 154 hộ.
Đến nay, thành phố có 339ha nuôi thủy sản an toàn thực phẩm (gồm 325,25ha VietGAP và 13,75 ha BAP+ASC); 117 cơ sở sản xuất cá giống và ương dưỡng giống thủy sản, hằng năm cung cấp 145 triệu cá giống, trên 200 triệu cá bột các loại, gần 700 triệu tôm giống đáp ứng nhu cầu con giống cho địa phương và một số tỉnh lân cận. Hiện có 03 mô hình sản xuất theo chuỗi; trong đó, 01 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sữa bò tươi của Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Long Hòa (khoảng 26 hộ) và Công ty Cổ phần sữa Vinamilk, sản lượng tiêu thụ bình quân 2.000 tấn/năm; 01 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thịt heo của Xí nghiệp chế biến thực phẩm I liên kết với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ với hình thức ký hợp đồng theo từng thời điểm để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, bình quân 50 tấn/tháng; 01 chuỗi cung ứng trứng vịt muối của Công ty TNHH Vân Anh Nguyễn, sản lượng tiêu thụ hơn 9 triệu quả/năm, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thành phố còn hình thành các vùng sản xuất hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán, ngày Rằm với diện tích trên 65ha, 405 hộ tham gia sản xuất tại các quận, huyện. Trong đó, Làng hoa kiểng Phó Thọ – Bà Bộ đã được xây dựng nhãn hiệu tập thể, có 200 hộ tham gia với diện tích sản xuất khoảng 35 ha, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm. Đến nay đã xây dựng một số mô hình trồng nấm rơm trong nhà có lắp đặt hệ thống tưới phun tại Ô Môn, Cờ Đỏ; xây dựng nhãn hiệu “Đông trùng hạ thảo” tại thị trấn Phong Điền và nhãn hiệu tập thể “Nấm bào ngư Thới An Đông” tại quận Bình Thủy; phát triển phong trào nuôi cá cảnh với 13 cơ sở, cung ứng khoảng 26 triệu cá cảnh bột cho thị trường.
Qua 02 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay đã 27 sản phẩm OCOP, chủ yếu là các sản phẩm chế biến đặc trưng từ nguyên liệu địa phương của các tổ chức kinh tế, các chủ thể sản xuất đã được Ủy ban nhân dân thành phố cấp giấu chứng nhận với 14 sản phẩm đạt 03 sao, 13 sản phẩm đạt 04 sao, trong đó có 02 sản phẩm có tiềm năng đạt 05 sao. Chương trình OCOP đã giúp chủ thể tham gia nâng cao uy tín, chất lượng các sản phẩm có lợi thế tại địa phương, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, xây dựng và nâng tầm nông thôn mới, nông nghiệp đô thị.
Lê Thị Hoa
Hội Nông dân thành phố

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *