Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội, chủ trì Hội nghị giao ban công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022 Cụm thi đua số 5 tại tỉnh Cà Mau (ảnh).
Hội nghị giao ban khu vực lần này nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022, phát hiện những kinh nghiệm hay những việc làm sáng tạo trong công tác vận động quần chúng. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, làm rõ những mặt còn hạn chế, thiếu sót; đề ra các giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2023. Đây cũng là điều kiện giúp cho Hội Nông dân 11 tỉnh, thành phố trong cụm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân các cấp, nhất là việc chia sẻ các mô hình hay, cách làm sáng tạo để các tỉnh học tập. Đồng thời là dịp để Hội Nông dân 11 tỉnh, thành trong cụm gặp gỡ, giao lưu, tăng cường mối quan hệ giữa các tỉnh, thành trong cụm thêm mật thiết và bền chặt hơn.
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Vũ Phương, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh và xây dựng sản phẩm OCOP. Theo đó, Hội Nông dân thành phố Cần Thơ có 5 giải pháp hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh gồm: chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ vốn; tiêu thụ nông sản; huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân trong sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống; tập huấn phương pháp canh tác nông nghiệp. Trong đó, các cấp Hội Nông dân thành phố đã triển khai 210 dự án trợ vốn cho 2.070 lượt hội viên vay với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân nhằm giúp nông dân xây dựng phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, góp phần phát triển bền vững các mô hình, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất với tổng dư nợ nhận ủy thác trên 1.200 tỷ đồng cho 35.641 hộ vay; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ trên 39 tỷ đồng. Hội Nông dân thành phố phối hợp với Bưu điện thành phố, Viettel Cần Thơ hỗ trợ nông dân đưa 10 sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Pót Mác, qua đó tiêu thụ được 572 tấn nông sản. Ngoài ra, các cấp Hội còn huy động mọi nguồn lực quyên góp (cả tiền mặt, vật tư nông nghiệp và nhu yếu phẩm) với tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng giúp 148 hộ hội viên thoát nghèo; vận động, hỗ trợ xây dựng 19 căn nhà “Mái ấm nông dân” trị giá khoảng 2 tỷ đồng cho cán bộ, hội viên nông dân khó khăn về nhà ở.
Hội Nông dân thành phố có 4 giải pháp hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng sản phẩm OCOP, gồm: hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hoá nông sản; hướng dẫn hội viên, nông dân đăng ký sản phẩm OCOP; tập huấn để nâng cao nhận thức và chuyển đổi tư duy; hướng dẫn xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, đã tiến hành làm thủ tục đăng ký 34 nhãn hiệu, trong đó có 21 nhãn được cấp giấy chứng nhận, 8 nhãn được cấp Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Đây là tiền đề để tiến tới phát triển sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Vũ Phương, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ, cho biết thêm, thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh hỗ trợ hội viên, nông dân về giống, vốn, khoa học kỹ thuật; tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng… để có nhiều sản phẩm đạt tiêu chí OCOP; tập trung phát triển một số nông sản chủ lực để hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn; xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến tới đủ điều kiện đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
* Trong 11 chỉ tiêu Trung ương Hội giao Hội Nông dân thành phố Cần Thơ năm 2022, đến cuối tháng 8/2022, các cấp Hội đã thực hiện đạt 11 chỉ tiêu, cụ thể có 03 chỉ tiêu đạt 100%, 08 chỉ tiêu vượt 100%, sớm hơn 03 tháng so với năm 2021. Đặc biệt, lần đầu tiên Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với 80 hội viên, nông dân (đại diện cho 79.235 hội viên, nông dân thành phố), với 03 nhóm vấn đề, một là về cơ chế, chính sách, hai là về sản xuất, ba là về kinh doanh, phân phối, lưu thông nông sản. Qua đối thoại, đã tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, phân phối, lưu thông nông sản; góp phần nâng cao vai trò, vị thế của nông dân; đã tạo điều kiện, cơ sở pháp lý và tạo sự yên tâm cho hội viên, nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Năm 2023, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục đối thoại với cán bộ, hội viên, nông dân thành phố trực tuyến đến các quận, huyện và cơ sở Hội để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của hội viên, nông dân trong tiêu thụ nông sản.
Nguyễn Văn Út
Hội Nông dân thành phố Cần Thơ