Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, tổ chức Hội Nông dân nói chung và tổ chức Hội Nông dân ở cơ sở của huyện Phong Điền đóng vai trò hết sức quan trọng.
Hội Nông dân huyện Phong Điền hiện có 7 cơ sở Hội, 75 chi Hội, 256 tổ Hội, 9.264 hội viên nông dân, chiếm 94,6% số hộ nông nghiệp của toàn huyện (9.785). Tổ chức Hội Nông dân cơ sở là nơi gần dân nhất, đại diện cho giai cấp nông dân, trực tiếp làm việc với hội viên, nông dân; nắm bắt được tình hình của hội viên, nông dân nhanh nhất, chính xác nhất. Tổ chức Hội nông dân ở cơ sở được xem như “cầu nối” liên hệ giữa Đảng với nông dân. Đây là nơi trực tiếp tuyên truyền vận động nông dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị của Hội cấp trên. Đồng thời, Hội cơ sở cũng nắm bắt và phản ánh lên cấp trên tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người nông dân để cấp trên kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong đời sống nông dân và đề ra được những phương hướng hoạt động phù hợp.
* Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Với vai trò, vị trí trên, trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng chí Trương Nhựt Quang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền, cho biết: Trong những năm qua, các cấp Hội, nhất là Hội Nông dân cơ sở, đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền, quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (gọi tắt là Nghị quyết số 35-NQ/TW) gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội và triển khai các phong trào thi đua trong nông dân đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên nông dân được chú trọng. Nhiệm kỳ qua (2018-2023), các cấp Hội đã tuyên truyền được 4.875 cuộc có 127.110 lượt người tham dự. Các cấp Hội Nông dân trong huyện đã nắm vững định hướng, quan điểm chỉ đạo của Thành ủy, của Huyện ủy, các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền của Hội, bám sát thực tiễn đang diễn ra để kịp thời triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nhất là các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 35-NQ/TW… Những hoạt động giáo dục, khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc cũng được các cấp Hội quan tâm. Thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ nông dân nghèo; kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân… đã khơi dậy trong cán bộ, hội viên, nông dân lòng yêu nước, ý thức hướng về cội nguồn, tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Cán bộ Hội từ huyện đến cơ sở tăng cường công tác nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng, đời sống, nguyện vọng của hội viên nông dân thông qua đi cơ sở; chủ động phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị liên quan giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, vướng mắc liên quan đến nông dân góp phần ổn định chính trị, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong nông dân về đường lối, quan điểm và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, vận động nông dân không chia sẻ những nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những thông tin sai sự thật, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Hội cơ sở và chi, tổ Hội được quan tâm. Hàng năm, Hội Nông dân huyện đều phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội và bồi dưỡng lý luận chính trị cho hơn 150 cán bộ Hội chủ chốt cơ sở và chi Hội… Từ đó, trình độ của đội ngũ cán bộ Hội ngày được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các cấp Hội tham mưu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nông dân với hình thức đa dạng như: hội nghị, hội thảo, hội thi, đối thoại… Chú trọng tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, mô hình tiêu biểu trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn văn minh hiện đại và tổ chức Hội vững mạnh.
* Tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh
Song song đó, để thường xuyên nắm bắt kịp thời tình hình an ninh chính trị – xã hội cũng như đời sống của nhân dân, các cấp Hội luôn tích cực tham gia có hiệu quả phong trào Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với những hoạt động thực tế của địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Trong đó, các cấp Hội coi công tác vận động nông dân là biện pháp hàng đầu cùng với đẩy mạnh các phong trào kinh tế – xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Hàng năm, các cấp Hội phối hợp với các đơn vị tại địa phương tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho hội viên, tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, tham gia diễn tập phòng thủ khu vực, diễn tập chiến đấu trị an, thực hiện Luật Nghĩa vụ Quân sự, động viên thanh niên nông thôn lên đường nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu giao. Ngoài ra, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với ngành công an và lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao tinh thần trách nhiệm phòng chống tội phạm, xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình quốc gia phòng chống tội phạm và các tổ tự quản ngay tại địa phương, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền Trương Nhựt Quang cho biết: Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh là phong trào quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh làm giảm các loại tội phạm. Hàng năm, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng trong huyện tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân, hiểu biết chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, các cấp Hội nâng cao nhận thức, ý thức cho cán bộ, hội viên về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu lợi dụng tôn giáo, vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng để kích động chia rẻ khối đại đoàn kết toàn dân, gây rối an ninh trật tự tại địa phương. Ngoài ra, các cấp Hội còn thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội với nhiều hoạt động thiết thực như: Tham gia đóng quỹ đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc các đối tượng chính sách và người có công; tổ chức thăm hỏi và tặng quà các gia đình chính sách, người có công, gia đình thương binh liệt sĩ, hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán; tặng quà cho tân binh lên đường nhập ngũ… Mặt khác, các cấp Hội cũng đã coi trọng việc lồng ghép chương trình phòng chống tội phạm với công tác Hội và phong trào nông dân như: phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới… nhằm động viên, khuyến khích các hộ làm kinh tế giỏi tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Hiện Hội Nông dân cơ sở là thành viên tích cực tham gia vào 256 Tổ nhân dân tự quản về an ninh, trật tự; phối hợp xây dựng 131 cổng rào an ninh trên địa bàn huyện. Việc tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh và tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua của nông dân đã tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Số lượng nông dân tham gia tổ chức Hội ngày càng nhiều, ý thức chấp hành pháp luật của hội viên ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đặc biệt là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Để tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thời gian tới, tổ chức Hội nông dân ở cơ sở cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tổ chức Hội nông dân ở cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng dâu rộng đến cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, là nâng cao nhận thức cho hội viên và nông dân về giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thường xuyên tuyên truyền vạch trần mọi âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta; từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ những người dân ở nông thôn.
Thứ hai, tổ chức Hội nông dân ở cơ sở đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đúng định hướng tư tưởng của Đảng và Nhà nước; tăng cường việc tuyên truyền trên mạng xã hội; tham gia đấu tranh phản bác, chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; tăng cường công tác nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân.
Thứ ba, tổ chức Hội nông dân ở cơ sở tham gia giải quyết những yêu cầu chính đáng, những vấn đề bức xúc của hội viên, nông dân ngay từ cơ sở.
Thứ tư, phát huy vai trò “nêu gương” của cán bộ Hội cơ sở, chi Hội, tổ Hội. Mỗi cán bộ Hội phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW; xây dựng đội ngũ cán bộ có lập trường vững vàng, có phẩm chất đạo đức và lối sống lành mạnh, trong sáng, gương mẫu, có uy tín cao; nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, có kỹ năng công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẽ góp phần cổ vũ, khích lệ tinh thần trách nhiệm của những người nông dân yêu nước trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, thù địch.
Trần Quốc Tuấn
Hội Nông dân huyện Phong Điền