Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân thành phố Cần Thơ không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết bằng chương trình hành động toàn khóa và kế hoạch hoạt động hàng năm; lựa chọn các vấn đề ưu tiên, trọng tâm để chỉ đạo thực hiện đạt chất lượng. Với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực của các cấp Hội trong thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân, nhiệm kỳ qua, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ IX đề ra đều đạt và vượt. Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu đạt và vượt từ giữa nhiệm kỳ như: Chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt 111,76%; xây dựng mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả, trong nhiệm kỳ nâng cấp, thành lập 50 HTX, đạt 166,66%; thành lập 266 THT, đạt 369,44%.
Công tác phát triển hội viên trong 5 năm qua đã kết nạp mới 33.243 hội viên (đạt 132,97% chỉ tiêu Nghị quyết); 100% chi Hội xếp loại khá và vững mạnh, không có cơ sở hội yếu kém; quản lý chặt chẽ, sử dụng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân hiệu quả, trong nhiệm kỳ tăng trưởng 25,753 tỷ đồng (đạt 128,765%); các cấp Hội đã vận động xây dựng và trao tặng 79 căn nhà “Mái ấm nông dân” với tổng kinh phí trên 4,545 tỷ đồng…
Đặc biệt, nhiệm kỳ 2018 – 2023, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những phong trào nổi bật của thành phố. Nhiệm kỳ qua phong trào đã phát triển mạnh, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 5 năm toàn thành phố có 295.718 lượt hộ nông dân đăng ký thi đua. Qua bình xét, trung bình mỗi năm có hơn 47 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (đạt 131,95% chỉ tiêu Nghị quyết). Cụ thể qua phong trào đã thúc đẩy việc thành lập các loại hình kinh tế tập thể hiệu quả, hình thành các hình thức hợp tác tự nguyện của nông dân, góp phần tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, thực hiện tốt liên kết “4 nhà”; đã hình thành 6 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát triển theo chuỗi gắn với thị trường tiêu thụ; xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, quy mô lớn, hiệu quả sản xuất, lợi nhuận hàng năm trên 500 triệu đồng. Tiêu biểu như mô hình hộ ông Lý Văn Bon (quận Bình Thủy), đây là mô hình nuôi cá thát lát bè kết hợp với chế biến và dịch vụ du lịch, thu nhập 9 tỷ đồng/năm; hay mô hình ông Nguyễn Văn Bé Ba (huyện Thới Lai) với mô hình nông nghiệp tổng hợp, thu nhập 7 tỷ đồng/năm; hộ ông Huỳnh Thanh Bình, hội viên nông dân xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh với mô hình trồng lúa, nuôi cá có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thu nhập hơn 3 tỷ đồng/năm; hộ ông Tiêu Ngọc Lợi, hội viên nông dân xã Thạnh Lợi với mô hình nuôi cá, bán vật tư nông nghiệp, trồng lúa và ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân, thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm…
Để hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã thực hiện các giải pháp để tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 25,23 tỉ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân lên trên 45,52 tỉ đồng. Nguồn vốn này đang cho vay tại 198 dự án, với 1.915 hộ hội viên được hưởng lợi. Nguồn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố qua Hội Nông dân, có tổng dư nợ 1.315 tỉ đồng (tăng 476,672 tỉ đồng so với đầu nhiệm kỳ), với 35.461 hộ vay. Nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho vay với số tiền 51,174 tỉ đồng. Các nguồn vốn đã giúp nông dân chủ động chi phí sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình liên kết hợp tác sản xuất… để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Tuy nhiên, các cấp Hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố khóa IX trong bối cảnh khó khăn chung như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, một số chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa được thực hiện đầy đủ, hiệu quả ở một số địa phương, còn vướng mắc, bất cập; việc dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số cấp Hội chậm đổi mới, chưa quyết liệt, còn hình thức, chưa sát thực tế… Từ đó, công tác Hội và phong trào nông dân của thành phố còn tồn tại những hạn chế, cụ thể: Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân ở một số cơ sở Hội, chi, tổ Hội hiệu quả chưa cao, còn hình thức; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và các vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn sản xuất, đời sống của hội viên, nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ở một số cơ sở Hội còn chậm. Chất lượng hoạt động Hội ở một số chi, tổ Hội chưa cao; chế độ sinh hoạt định kỳ của Ban Chấp hành cơ sở Hội, chi Hội, tổ Hội có lúc, có nơi chưa duy trì thường xuyên, nội dung sinh hoạt thiếu hấp dẫn; phát triển hội viên mới còn chạy theo số lượng, thiếu quan tâm chất lượng. Một số cán bộ, công chức của cơ quan Hội Nông dân thành phố trình độ, năng lực về tuyên truyền, tập hợp nông dân còn hạn chế. Công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, nhà nước đôi lúc chưa kịp thời. Phong trào nông dân và hoạt động Hội phát triển chưa đồng đều giữa các quận, huyện, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; có nơi chưa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào, thiếu chủ động phối hợp trong huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển phong trào; phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến để đẩy mạnh phong trào thi đua hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế tập thể, liên kết sản xuất có nơi còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các quận, huyện. Hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân ở một số cơ sở Hội còn yếu, quy mô nhỏ; thiếu chủ động, còn trông chờ vào nguồn kinh phí của Nhà nước. Hoạt động tham gia phản biện xã hội ở một số cấp Hội địa phương còn hình thức, chủ yếu mang tính tổng hợp ý kiến, thiếu tính phản biện, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Công tác kiểm tra, giám sát ở một số nơi chất lượng, hiệu quả chưa như mong muốn.
Nguyễn Văn Út
UVBTV Hội Nông dân thành phố