Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Cần Thơ đã trở thành kênh tín dụng quan trọng, trợ giúp cho nông dân trên địa bàn thành phố phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Đến thăm gia đình anh Hồ Văn Điền ngụ ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền. Năm 2019, gia đình anh được vay vốn 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Cần Thơ. Anh đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng từ 0,5 ha lên 3 ha. Đến nay với giá bán từ 45.000 – 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh đạt lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm. Ngụ cùng địa phương có hộ anh Nguyễn Văn Gởi cũng vay 50 triệu đồng đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Cần Thơ. Đến nay, anh mở rộng diện tích đất trồng từ 1 ha lên 3 ha, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí… Từ trồng trọt hiệu quả, đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ vay.
Năm 2019, hội viên nông dân ấp Tân Thành (xã Nhơn Nghĩa) thành lập tổ hợp tác gồm 16 hộ để liên kết sản xuất và lập dự án “Thâm canh và trồng mới vườn sầu riêng”. Theo đó, dự án được duyệt với tổng số vốn vay là 800 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của thành phố. Từ nguồn vốn này, các hộ gia đình đã tập trung cải tạo vườn đúng quy cách, mua giống đảm bảo chất lượng… Nhờ đó, năng suất cây trồng được nâng lên đáng kể. “Sau khi thành lập tổ hợp tác, các thành viên còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong việc áp dụng kỹ thuật cũng như phòng bệnh trên cây trồng. Đặc biệt, cùng chịu trách nhiệm trả phí, vốn theo hạn định”, anh Huỳnh Thanh Hiếu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa, làm chủ dự án, cho biết. Dự án sẽ đến hạn thu hồi vốn vào tháng 11/2022.
Để tạo điều kiện cho hội viên có vốn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi, Hội Nông dân xã cũng đã tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ, thông qua việc phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, tổng dư nợ với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 19 tỷ đồng, thông qua 15 tổ tiết kiệm và vay vốn cho 526 lượt hội viên vay.
Trong quá trình cho vay, Hội luôn chú trọng đến khâu khảo sát, chọn đúng đối tượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời, Hội còn tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh. Từ đó ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Bên cạnh đó, việc thực hiện dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội trong việc điều hành và quản lý, được các cấp ủy, chính quyền địa phương nơi thực hiện các dự án đánh giá cao, uy tín của Hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng lên rõ rệt, tạo niềm tin cho giai cấp nông dân vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Với những cách làm hiệu quả, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát số hộ hội viên cần được vay vốn. Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ hội viên; xây dựng các dự án mới, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương, giúp hội viên vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lê Thị Thủy
Hội Nông dân thành phố Cần Thơ