Hoạt động của hội

Hiệu quả từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”

Lãnh đạo các cấp thăm quan Mô hình trồng ổi ruột hồng xã Thới Tân, huyện Thới Lai.

Xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Nông dân thành phố. Từ đó, các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền nhằm phát động phong trào đến toàn thể hội viên, nông dân trong thành phố nên đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi đến mỗi hộ nông dân, khơi dậy tính năng động, sáng tạo, với quyết tâm làm giàu dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
* Phong trào mũi nhọn tạo điểm nhấn ấn tượng
Có thể đánh giá một cách tổng thể phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của các cấp Hội luôn có sự đổi mới, vận dụng một cách sáng tạo, có sáng kiến trong cách chỉ đạo để phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương. Được cụ thể hóa ngay từ cách chỉ đạo và đã đi vào chiều sâu, trở thành một phong trào thi đua sôi nổi của Hội. Ngay từ đầu năm, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, tổ chức cho hội viên đăng ký hộ SXKDG các cấp theo tiêu chí của Quy định số 18-QĐ/HNDTW ngày 12/01/2011 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Đến nay, toàn thành phố có 48.191 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ SXKDG các cấp, đạt 107,1% chỉ tiêu Trung ương Hội giao. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình trong SXKDG, quy mô lớn, hiệu quả sản xuất, lợi nhuận hàng năm trên 500 triệu đồng như: hộ ông Lý Văn Bon (quận Bình Thủy) mô hình nuôi cá Thát lát bè kết hợp với chế biến và dịch vụ du lịch, thu nhập 9 tỷ đồng/năm; ông Nguyễn Văn Bé Ba (huyện Thới Lai) với mô hình nông nghiệp tổng hợp, thu nhập 7 tỷ đồng/năm; hộ ông Huỳnh Thanh Bình, hội viên nông dân xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh với mô hình trồng lúa, nuôi cá có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thu nhập hơn 3 tỷ đồng/năm; hộ ông Tiêu Ngọc Lợi, hội viên nông dân xã Thạnh Lợi với mô hình nuôi cá, bán vật tư nông nghiệp, trồng lúa và ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân, thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm…
Cùng với tổ chức phong trào, các cấp Hội còn tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân và hộ SXKDG tham gia tương trợ giúp đỡ hội viên nông dân, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động có việc làm thường xuyên và việc làm theo mùa vụ hoặc từng khâu công việc; giúp đỡ vốn, giống cây, con, ngày công, kinh nghiệm sản xuất cho 1.680 lượt hộ nông dân, trị giá 1,769 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng và bàn giao 21 căn nhà “Mái ấm nông dân”, với tổng trị giá 1,995 tỷ đồng, trong đó các Quận, Huyện Hội vận động hỗ trợ 975 triệu đồng, đạt 262,5% kế hoạch đề ra; trực tiếp giúp đỡ được 144 hộ nông dân thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ nông dân SXKDG đã ủng hộ, đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các quỹ ở địa phương, trở thành hạt nhân có uy tín trong cộng đồng cư dân nông thôn.
Các cấp Hội làm tốt công tác xây dựng, tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và hoạt động ủy thác nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trợ giúp nông dân có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn thành phố đang quản lý cho vay tại 209 dự án là 45,524 tỷ đồng, cho 1.992 lượt hộ hội viên nông dân vay. Nguồn ủy thác từ Ngân hàng CSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với dư nợ 1.426,794 tỷ đồng, cho 36.151 lượt hộ vay; Ngân hàng NN&PTNT với tổng dư nợ cho vay qua 22 Tổ vay vốn do Hội Nông dân quản lý số tiền 51,174 tỷ đồng, cho 120 lượt hộ vay.
Các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tư vấn, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăm sóc lúa, vườn cây ăn trái,… cho 84.564 lượt hội viên, nông dân tham dự, đạt 112,3% kế hoạch đề ra; cung ứng 505 tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, các cấp Hội trực tiếp hướng dẫn, vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể. Hiện nay, toàn thành phố có 166 hợp tác xã, 1.126 tổ hợp tác sản xuất. Năm 2023, Hội Nông dân thành phố thành lập Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú tiêu biểu (gồm 25 thành viên đều là những nông dân SXKD giỏi có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm); sau đó, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ nông dân tiêu biểu tại huyện Cờ Đỏ.
Ngoài ra, các cấp Hội còn chú trọng xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); từ đó hình thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tạo ra sản phẩm thế mạnh của địa phương. Hiện nay Cần Thơ có 92 sản phẩm OCOP gồm 58 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ nông dân và HTX. Trong đó, những sản phẩm OCOP của hội viên nông dân thành phố như: Sầu riêng Tân Thới, huyện Phong Điền; nấm Đông trùng hạ thảo của HTX Giọt Phù Sa, thị trấn Phong Điền; Mắm cá tra, khu vực 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt; Na Trường Thắng, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, nhãn IDO Định Môn, xã Định Môn, huyện Thới Lai… Những sản phẩm OCOP đã vào các siêu thị và trên các sàn thương mại điện tử, từ đó chinh phục được người tiêu dùng bằng những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Đến nay, hơn 17.800 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Cần Thơ giới thiệu trên 200 sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử.
* Góp sức xây dựng nông thôn mới
Thông qua phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, các cấp Hội vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Qua đó, hội viên nông dân hiến 86.383m2 đất, vật kiến trúc, hoa màu để làm mới và sửa chữa 38km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa và sửa chữa 58,8km tuyến kênh mương; bắc mới và sửa chữa 145 cầu, cống; đóng góp 28,095 tỷ đồng và 9.366 ngày công lao động; tham gia phát quang, thu gom rác thải, chặt đốn các cây, bụi rậm che khuất tầm nhìn cập các tuyến kênh mương, lộ nông thôn.
Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được 20 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, đạt 250% chỉ tiêu Trung ương Hội giao. Thực hiện phong trào “ba không” trong sản xuất (“không sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn; không dùng xung điện đánh bắt thủy sản; không gây ô nhiễm môi trường”), có 101.445 hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt 100% chỉ tiêu Trung ương Hội giao.
Năm 2023, Trung ương Hội hỗ trợ Hội Nông dân thành phố thực hiện 03 dự án (dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường, phòng chống lao, môi trường). Hiệu quả từ các dự án mang lại như sau: Dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường triển khai tại 02 xã Tân Thạnh (huyện Thới Lai) và Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ) có 42 hội viên nông dân tham gia, sau đó nhân rộng tại HTX Khiết Tâm (huyện Vĩnh Thạnh); tính ưu việt của dự án không chỉ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích, mà còn nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất lúa an toàn. Dự án phòng chống lao triển khai mô hình “Nông dân phòng, chống lao” và “Quản lý lao cấp xã, phường” tại 04 quận, huyện Hội (Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng và Phong Điền), góp phần nâng cao kiến thức cho nông dân về phòng chống bệnh lao, khuyến khích nông dân phát hiện sớm và vận động những người có dấu hiệu nghi mắc lao đi điều trị tại các cơ sở y tế. Dự án môi trường ban đầu triển khai tại ấp 4 và 7, xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) với 80 hộ dân tham gia và hiện được nhân rộng các ấp khác trong xã, giúp nông dân có thói quen phân loại rác thải ngay tại gia đình, qua đó góp phần làm sạch môi trường sống.
Các cấp Hội vận động hội viên nông dân và người thân tham gia BHYT, BHXH. Kết quả, hội viên nông dân tham gia BHYT được 96.382 thẻ, đạt 100% chỉ tiêu Trung ương Hội giao; đặc biệt, vận động hội viên nông dân mua 4.145 sổ BHXH tự nguyện, được Trung ương Hội đánh giá là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng hội viên nông dân tham gia mua BHXH tự nguyện
* Để phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng hơn
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Trong đó, cần tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau: Đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Tạo động lực, ý chí, quyết tâm cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu bền vững. Gắn phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” với phong trào xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đa dạng hóa các hình thức chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến hội viên, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao kỹ năng lao động, liên kết mở rộng quy mô sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn có sức cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của thị trường. Khai thác nguồn lực, tích cực, chủ động phối hợp, liên kết 6 nhà: nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối để hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn SX-KD nông nghiệp với du lịch, giảm nghèo bền vững. Phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án, quỹ hỗ trợ nông dân, các nguồn lực khai thác khác, hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp, tạo tiềm năng, lợi thế của từng vùng sinh thái để phát triển phong trào. Đồng thời, vận động nông dân liên kết với nhau để nâng quy mô sản xuất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Từ đó phát huy lợi thế từng vùng, từng địa phương, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa. Tập trung các nguồn lực để phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức thành lập câu lạc bộ nông dân SXKDG ở các cấp Hội. Thông qua việc tổ chức sinh hoạt tạo điều kiện cho nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, thông tin thị trường nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá sản phẩm cho nông dân thông qua việc làm cầu nối liên kết hợp tác, giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân yếu tố đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng hợp tác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân. Tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, đẩy mạnh phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, chủ động đề xuất với cấp ủy và chính quyền địa phương cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; đồng thời thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT… để hội viên nông dân được tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Vận động nông dân SXKDG chia sẻ cùng cộng đồng ở địa phương về cách thức, kinh nghiệm trong hoạt động SX-KD đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời có biện pháp cụ thể giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tổ chức tổng kết thực tiễn, đánh giá các mô hình giảm nghèo do hội nông dân các cấp hướng dẫn giúp đỡ, hỗ trợ hội viên, nông dân. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tổ chức chỉ đạo phong trào trong các cấp Hội. Định kỳ tổ chức sơ kết giữa giai đoạn và tổng kết giai đoạn nhằm đánh giá, biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong phong trào.
Nguyễn Diễm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *