Xác định sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của huyện, từ đó các cấp Hội Nông dân huyện Thới Lai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị hàng hóa theo hướng bền vững, gắn với những tiềm năng, lợi thế của huyện. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện phối hợp với ngành nông nghiệp và các đơn vị, địa phương có liên quan tích cực hỗ trợ, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu canh tác, lựa chọn cây, con giống phù hợp với từng vùng để tăng năng suất, sản lượng theo hướng bền vững gắn với những tiềm năng, lợi thế của từng vùng; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới; đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật, canh tác cho nông dân; chuyển tải kịp thời chủ trương, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, như các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Thành ủy Cần Thơ, của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 06 của Huyện ủy Thới Lai về phát triển kinh tế hộ, Nghị quyết số 05 của Huyện ủy Thới Lai về phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã giai đoạn 2020 – 2025,… Ngoài ra, nông dân còn tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ sinh học, các phương thức canh tác công nghệ cao, phá vỡ thế độc canh của các cây, con truyền thống kém hiệu quả, góp phần đa dạng hóa sản xuất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. Hội Nông dân huyện phối hợp Trạm Khuyến nông huyện đã chuyển giao thực hiện 19 mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện, như: Mô hình trồng sầu riêng, mua bán lúa, lò xấy, kinh doanh nhà trọ, diện tích 4,5 ha của anh Nguyễn Văn Bé Ba xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai cho thu nhập trừ chi phí trên 6 tỷ đồng/năm; Mô mình trồng lúa, thủy sản, mua bán lúa, kinh doanh vật tư nông nghiệp diện tích 8 ha của anh Đoàn Văn Thi, xã Trường Xuân A cho thu nhập trừ chi phí trên 2,5 tỷ đồng/năm; Mô hình trồng lúa, màu (dưa hấu) diện tích 5 ha, kinh doanh vật tư nông nghiệp của anh Trần Công Danh, xã Tân Thạnh cho thu nhập trừ chi phí trên 2 tỷ đồng/năm. Mô hình “Thâm canh cam xen ổi theo hướng Vietgap” tại xã Tân Thạnh cho thu nhập trừ chi phí 270 triệu đồng/ha/năm; Mô hình “Trồng Ổi ruột hồng sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ” tại xã Thới Tân cho thu nhập trừ chi phí 200 triệu đồng/ha/năm; Mô hình “Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại ấp Thới Phước 2, xã Tân Thạnh cho thu nhập trừ chi phí 180 triệu đồng/ha/năm; Mô hình “Nuôi lươn không bùn” tại xã Trường Xuân A cho thu nhập trừ chi phí 165 triệu đồng/1000 con/năm; Mô hình “Nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học trên đệm lót sinh học” tại thị trấn Thới Lai cho thu nhập trừ chi phí 24 triệu đồng/100 con/năm…
Trước những khó khăn chung do giá cả thị trường và đầu ra sản phẩm, nhưng các cấp Hội Nông dân huyện tích cực triển khai sâu rộng các giải pháp hỗ trợ nông dân duy trì sản xuất như: Phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện thực hiện chương trình trợ giá cây con giống hàng năm trên 100 triệu đồng, phối hợp với Bưu điện đưa sản phẩm giao dịch trên sàn điện tử… Phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi luôn được triển khai sâu rộng và đạt những kết quả quan trọng. Năm qua, Hội Nông dân các xã, thị trấn chọn 10 mô hình tiêu biểu và 10 sản phẩm lợi thế để duy trì và nhân rộng, như: sản xuất lúa giống, dịch vụ nông nghiệp, trồng cây ăn trái, sản xuất rau màu, nuôi lươn giống và thương phẩm… Từ đó, khơi dậy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Quý 2-2023, tổng diện tích chuyển đổi từ lúa sang rau màu và cây ăn trái trên địa bàn huyện gần 225,74 ha. Trong đó, có 132,18 ha màu, cây ăn trái 93,56 ha (lũy kế diện tích trồng cây ăn trái đến thời điểm hiện tại trên 1.901,84 ha). Nhiều mô hình làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao được địa phương duy trì và nhân rộng. Qua đó, góp phần quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản xuất, giá trị hàng hóa, ổn định thu nhập cho nông dân. Qua chuyển đổi cơ cấu vây trồng vật nuôi không những góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, tăng thu nhập mà còn đảm bảo cho việc khai thác, tận dụng tốt tiềm năng thế mạnh, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Từ đó tạo động lực cho nông nghiệp địa phương bứt phá đi lên trong thời gian tới.
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, từng bước nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân gắn với phát triển sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng. Ngoài ra, khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, nhân rộng các mô hình có tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là thực hiện chuỗi liên kết sản xuất… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân huyện nhà.
Nguyễn Quốc Hùng
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Lai