Sáng 29/5/2022, tại tỉnh Sơn La, Thủ tướng Chính phủ – Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”. Đây là lần thứ 4 Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức và là Hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức. Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Cần Thơ có Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố – Phạm Văn Hiểu; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố – Trần Việt Trường; đại diện các sở, ngành có liên quan; lãnh đạo và tập thể Hội Nông dân thành phố, Hội Nông dân 8 quận, huyện cùng 20 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân với Thủ tướng Chính phủ chủ yếu tập trung vào các vấn đề về giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân; vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương; việc thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông – doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp. Bên cạnh đó, các vấn đề về vốn, tín dụng; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh; vấn đề về di cư lao động từ nông thôn lên thành phố thành công nhân và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương cũng được nhiều nông dân quan tâm đặt ra tại hội nghị đối thoại… Trong số đó, đặc biệt, nông dân Lý Văn Bon (Khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ) đặt câu hỏi về các giải pháp để hỗ trợ, đảm bảo sinh kế của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước những tác động của biến đổi khí hậu? Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn hiện nay đã đến mức báo động, đâu là giải pháp cho thực trạng này?
Trả lời ý kiến của ông Lý Văn Bon, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Chính phủ đã có riêng Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng cũng rất quan tâm đến vấn đề này và vừa phê duyệt Quyết định số 287/QĐ-TTg về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với quan điểm phát triển vùng ĐBSCL là phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và lấy con người là trọng tâm, Quy hoạch cũng đề ra 3 giải pháp để tạo sinh kế cho người nông dân: Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với 3 kiểu vùng; phát triển kinh tế biển; quy hoạch mạng lưới thủy lợi với hệ thống cống, đê bao quanh với trạm bơm tưới tiêu cung cấp nguồn nước. Về nguồn kinh phí, Chính phủ xác định nguồn lực xã hội hoá kết hợp ngân sách nhà nước. Riêng với nguồn ngân sách, giai đoạn 2021-2025, trong kế hoạch đầu tư trung hạn, Chính phủ bổ sung tăng đầu tư hạ tầng thuỷ lợi, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng chống sạt lở… Đồng thời, ngay trong Chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ đã đề nghị bổ sung 2.600 tỷ đồng đầu tư cho chống sạt lở, xử lý vấn đề xâm nhập mặn. Ngoài ra, trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng dành khoảng 2.000 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ sinh kế cho bà con nông dân. Đây cũng là vùng đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng giai đoạn 2021-2025.
Trả lời thêm về ý kiến của ông Lý Văn Bon, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, cho biết: Trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, ĐBSCL đã triển khai 48 dự án, trong đó có 16 dự án thuộc chương trình. Thời gian tới, theo kiến nghị của các tổ chức quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang vận động và sẽ có nhiều dự án phi công trình, đặc biệt là vấn đề ngăn cát bồi lắng, phát triển vùng nuôi trồng tại các khu vực phù hợp, từ đó tạo thành vành đai vùng ngập mặn ven biển, tạo sinh quyển bền vững cho các loài, bảo đảm đời sống cho người dân vùng ĐBSCL. Về vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường nông thôn, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, Điều 58 Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, quy định rõ nội dung về bảo vệ môi trường nông thôn. Theo đó, tỷ lệ sản xuất, làng nghề, bảo vệ môi trường, cảnh quan không gian xanh, không để tồn đọng nước thải, rác thải; tỷ lệ chất thải được thu gom, xử lý; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh được thu gom, tái chế, tái sử dụng đều được đề cập rõ ràng. Đây là những chỉ tiêu được đặc biệt quan tâm, sẽ được kiểm tra, giám sát, để xác nhận các xã đạt chuẩn môi trường, làm cơ sở xếp loại đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn xác định, môi trường nông thôn là một trong những nội dung quan trọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia để có bước chuyển thực sự về môi trường nông thôn.
Kết luậnvấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu; vừa ban hành quy hoạch vùng ĐBSCL; đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị; đã và sẽ tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng. Trong đó, trong nhiệm kỳ này ưu tiên cao để phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL.
Thuý Diễm
Hội Nông dân thành phố