Hoạt động của hội

Chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc

Trao quà cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có hội viên người dân tộc) ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ.

Hội Nông dân thành phố Cần Thơ có 74.999 hội viên nông dân, trong đó có 2.012 hội viên là người dân tộc thiểu số; đông nhất là đồng bào dân tộc Khmer, sống chủ yếu ở các quận, huyện: Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ. Những năm qua, nhờ địa phương quan tâm triển khai, thực hiện nhiều chương trình, dự án, nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên và từng bước phát triển ổn định.

Ngay từ đầu năm 2020, Hội Nông dân thành phố Cần Thơ cùng với các quận, huyện khảo sát các mô hình, nắm tâm tư nguyện vọng của bà con là hội viên nông dân người dân tộc, để có những giải pháp hỗ trợ cụ thể. Từ đó giúp hộ nghèo dân tộc thiểu số tìm được nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, phát triển sản xuất, từng bước thoát khỏi nghèo khó và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Điển hình là hộ ông Lý Út ở khu vực 15, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. Từ khó khăn, nhờ cần cù chịu khó và sự quan tâm động viên của cán bộ địa phương, giờ đây cuộc sống gia đình ông đã ổn định, thoát nghèo; với 5,5 công ruộng kết hợp mô hình buôn bán nhỏ (gà, vịt, rau cải, nuôi bồ câu), mỗi năm gia đình ông có thu nhập 140 triệu đồng/năm. Hay hộ ông Danh Lam (khu vực Bình Lợi) có diện tích 1.500m2 ngoài trồng rau đậu các loại kết hợp chăn nuôi và buôn bán gạo, hiện thu nhập 120 triệu đồng/năm. Hoặc hộ ông Đào Duy Linh (khu vực Bình Lợi) không chỉ làm công nhân, nhận may gia công mà vợ chồng ông còn chăn nuôi bò, thu nhập ổn định 150 triệu đồng/năm… Đặc biệt, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, có 2 hộ: Đào Sóc (xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ) và Đào Ngọc Danh (thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai) đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương (với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm) và 15 hộ tiêu biểu đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố (với thu nhập trên 500 triệu đồng/năm). Thành công từ những mô hình này, các cấp Hội tuyên truyền nhân rộng trong đồng bào.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố, năm 2019-2020, đã xây dựng 28 dự án, trong đó có 20 hội viên đồng bào dân tộc được vay vốn, số tiền từ 30-40 triệu đồng/hộ để phát triển sản xuất kinh doanh. Thực hiện chỉ tiêu xây dựng “Mái ấm nông dân” cho cán bộ Hội có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, năm 2020, các quận, huyện và cơ sở Hội đã vận động xây dựng 16 căn nhà “Mái ấm nông dân”, trong đó có hộ người dân tộc được hỗ trợ xây dựng nhà là ông Liêu Hà (ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ). Song song đó, các cấp Hội còn quan tâm chăm lo đời sống cán bộ, hội viên dịp lễ, Tết. Năm 2020, các cấp Hội vận động trên 16.077 phần quà, tổng trị giá trên 8,5 tỷ đồng (trong đó hội viên nông dân đồng bào dân tộc thiểu số có 32 hộ được nhận quà).

Về công tác đào tạo nghề, Hội Nông dân thành phố trực tiếp mở 1 lớp đào tạo nghề cho 125 người (trong đó có 5 người là dân tộc); phối hợp tổ chức 25 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 833 hội viên con em nông dân (trong đó có 22 người là dân tộc). Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp tuyên truyền về kiến thức bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, tuyên truyền về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Hội Nông dân thành phố Cần Thơ tăng cường chỉ đạo các cấp Hội Nông dân quan tâm, phát huy mô hình làm ăn có hiệu quả giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; vận động đồng bào liên kết nhau trong sản xuất, sản xuất sạch, an toàn, theo chuỗi giá trị. Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc đều được địa phương quan tâm chỉ đạo kịp thời, đúng đối tượng. Nhiều nguồn vốn hỗ trợ được đồng bào đầu tư khá hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng lên. Từ những việc làm thiết thực trên, các cấp Hội Nông dân cùng với ngành Dân tộc đã góp một phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Dân tộc trong năm 2020.

Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực để hỗ trợ thêm cho những hộ đồng bào khó khăn, để bà con có thêm động lực vươn lên; đồng thời  phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc khảo sát các mô hình tiêu biểu, để tổ chức các cuộc hội thảo mô hình tiêu biểu và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong đồng bào dân tộc ngày càng hiệu quả hơn.

Trần Thị Diệu Thanh

Hội Nông dân thành phố Cần Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *