Khuyến nông

Một số lưu ý trong vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024


Tính đến ngày 10/1/2024, lúa Đông Xuân 2023-2024 xuống giống dứt điểm 72.813 ha thấp hơn so với cùng kỳ 2.083 ha đạt 101% so với kế hoạch. Trong đó giai đoạn đẻ nhánh 5.641 ha và đòng 67.172 ha, thời tiết có sương mù vào sáng sớm, trưa nắng gắt là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn phát triển và rầy nâu đang gây hại. Cây lúa chủ yếu giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng. Diện tích nhiễm dịch hại 2.714 ha giảm 641 ha so với tuần qua và cao hơn 1.602 ha so với cùng kỳ. Dịch hại ngoài đồng chủ yếu sự gây hại của rầy nâu, rầy phấn trắng, bệnh đạo ôn lá,…, cụ thể như sau:
Rầy nâu: Diện tích nhiễm 1.652 ha giảm 117 ha so với tuần qua và cao hơn 1.652 ha so với cùng kỳ. Rầy nâu đang nở rộ trên trà lúa giai đoạn đòng với mật số phổ biến 1.000-1.500 con/m2, cục bộ cao 3.000-4.000 con/m2, tập trung chủ yếu tại các xã Vĩnh Trinh, Vĩnh Bình, Thạnh Lộc và TT. Thạnh An của huyện Vĩnh Thạnh. Bên cạnh đó, ghi nhận rầy nâu mật số thấp 300-500 con/m2, cục bộ với mật số 500-700 con/m2, dưới mức thống kê diện tích tại các xã còn lại của huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai và Cờ Đỏ.
Số lượng rầy nâu thành trùng di trú vào các bẫy đèn cao nhất 25 con/bẫy (ngày 04/01/2023 tại xã Thạnh An – huyện Vĩnh Thạnh) thấp hơn cao điểm tuần trước, cao nhất 31 con/bẫy (ngày 26/12/2023 tại xã Trung Hưng – huyện Cờ Đỏ) và thấp hơn so với rầy nâu vào đèn cùng kỳ, cao nhất 1.832 con/bẫy (ngày 06/01/2023 tại xã Trường Thắng – huyện Thới Lai).
Rầy phấn trắng: Diện tích nhiễm 83 ha tăng 48 ha so với tuần qua và cao hơn 83 ha so với cùng kỳ tập trung chủ yếu tại quận Thốt Nốt. Bên cạnh đó, rầy phấn trắng xuất hiện rãi rác dưới mức thống kê diện tích trên trà lúa làm đòng tại các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai. Nhưng chưa gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Bệnh đạo ôn lá: Xuất hiện và gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng, do bón phân đợt 2, đợt 3 bị thừa đạm, gieo sạ dày kết hợp ảnh hưởng thời tiết trong tuần qua sáng sớm trời se lạnh, có sương mù nhẹ, diện tích nhiễm bệnh 951 ha giảm 558 ha so với tuần qua và cao hơn 48 ha so với cùng kỳ, tỷ lệ nhiễm 5-10%, cục bộ cao 15%, cấp bệnh 1-3 tập trung chủ yếu tại các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt.
Ngoài ra, trên lúa Đông Xuân 2023-2024 còn có sự xuất hiện và gây hại của các đối tượng dịch hại khác như: chuột cắn phá (28 ha) các ruộng cặp bờ kênh, bệnh bướu rễ cho tuyến trùng, sâu cuốn lá (mật số 5-7 con/m2), muỗi hành, bệnh cháy bìa lá (5-7%),… với tỷ lệ và mật số thấp dưới mức thống kê diện tích nhiễm tại các quận/huyện.
Để quản lý dịch hại đối với lúa Đông Xuân 2023-2024, nông dân cần lưu ý một số nội dung như sau:
+ Rầy nâu: Tiếp tục gia tăng mật số trên trà lúa giai đoạn đòng. Khuyến cáo nông dân cần thăm đồng thường xuyên, đưa nước vào đồng ruộng che chắn gốc lúa, hạn chế rầy chích hút và bảo vệ thiên địch. Hiện thiên địch trên đồng ruộng rất đa dạng và phong phú về thành phần, số lượng (bọ xít mù xanh, bọ xít nước, nhện, kiến 3 khoang,…) có khả năng khống chế được sự gây hại của rầu nâu. Tuy nhiên, không được chủ quan cần tiếp tục theo dõi mật số để xử lý kịp thời. Khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường như quản lý dịch hại tổng hợp IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tưới tiêu tiết kiệm nước, công nghệ sinh thái, sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học (nấm xanh, Ometar,…) trong quản lý sâu rầy. Chỉ phun thuốc trừ rầy khi mật số cao 3 con/cây và áp dụng nguyên tắc ”4 đúng”.
+ Rầy phấn trắng: Đang giai đoạn thành trùng, cần thăm đồng thường xuyên, kiểm tra phát hiện thành trùng rầy phấn trắng bay lên khi bị động. Nếu mật số rầy phấn trắng hoặc tỷ lệ chồi bị gây hại cao cần phòng trị theo nguyên tắc 4 đúng, chú ý sử dụng thuốc trị rầy phấn trắng, khi phun cần hạ thấp vòi phun vào tán lá lúa để thuốc tiếp xúc với rầy.
+ Bệnh đạo ôn lá: Sau thời điểm bón phân đợt 3 kết hợp thời tiết thuận lợi (sáng sớm có sương mù, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao, có mưa rào rải rác), nông dân nên thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ vết bệnh trên lá lúa, đặc biệt là tán lá bên dưới, khi bệnh mới xuất hiện, cần cho nước vào ruộng và giữ mực nước trong ruộng 3-5 cm, sử dụng thuốc đặc trị nấm bệnh đạo ôn trên lúa để giảm khả năng lây lan của bệnh. Đồng thời ngưng bón phân đạm, bổ sung phân bón chứa kali tạo điều kiện cho cây lúa phục hồi, không kết hợp phun phân bón lá với thuốc trừ bệnh, hướng dẫn nông dân quản lý và phòng trị bệnh theo nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp và sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng. Tuyệt đối không phun phân bón lá hay kích thích sinh trưởng chung với thuốc trừ bệnh.
Lê Thị Hoa
Hội Nông dân thành phố

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *