Ngày 14/2/2023, tại xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, Hội Nông dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo đầu bờ, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam. Hội thảo thu hút 30 người tham dự, trong đó có 20 nông dân tham gia Dự án lúa thân thiện với môi trường.
Tại đây, nông dân được nghe báo cáo mô hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường và mô hình đối chứng không áp dụng canh tác thân thiện với môi trường. Anh Trần Công Danh, thực hiện mô hình trình diễn của dự án cho biết, vụ Đông Xuân năm 2022 – 2023 này, ước năng suất đạt 1,2 tấn/1.000m2. Với giá lúa cao hơn năm trước nên các thành viên của dự án có thể thu lãi từ 5,8-6 triệu đồng/công.
Theo đó, khi tham gia mô hình trình diễn, nông dân được tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn về kỹ thuật xử lý đất, kỹ thuật tưới khô xen kẽ, kỹ thuật xử lý rơm rạ, quy trình bón phân,… trong suốt quá trình phát triển của cây lúa. Qua đó, giúp nông dân tham gia mô hình giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác, nhất là giảm được ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, với 5.000m2 đất trồng lúa thực hiện mô hình trình diễn, nông dân giảm gần 1,5 triệu đồng chi phí đầu vào từ việc giảm phân, thuốc, nhân công lao động,…
Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam triển khai tại xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai và xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, đã góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân trồng lúa, hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
Lê Thị Hoa
Hội Nông dân thành phố