Từ đầu năm 2020, Hội Nông dân quận Ô Môn được Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Cần Thơ chọn làm điểm chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp” theo Kế hoạch số 57 ngày 19/11/2019.
Hội Nông dân quận Ô Môn xác định được tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Kế hoạch số 57 của Hội Nông dân thành phố Cần Thơ. Ban Thường vụ Hội Nông dân quận Ô Môn xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai đến tận cán bộ, hội viên trong toàn quận. Từ đó, cán bộ, hội viên nông dân ở các mô hình, câu lạc bộ, tổ nhóm sản xuất nhỏ lẻ phối hợp, liên kết xây dựng, thành lập các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm đem lại giá trị kinh tế, phát huy được vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị.
Để mô hình đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, Hội Nông dân quận Ô Môn chọn Hội Nông dân phường Thới Long làm điểm chỉ đạo, sau đó nhân rộng ra các đơn vị còn lại. Hiện có tất cả 7 đơn vị trực thuộc Hội Nông dân quận Ô Môn triển khai thực hiện. Bước đầu công tác triển khai gặp nhiều thuận lợi. Bởi vì từ nền tảng có sẵn của câu lạc bộ, tổ nhóm, hộ sản xuất nhỏ lẻ…, việc vận động thành lập chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp được sự đồng thuận thống nhất trong hội viên nông dân. Mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thêm vào đó, nhờ sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời của các banh, ngành liên quan, nhất là Ban Kinh tế – Xã hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố, về quy trình thủ tục, cách thức thành lập, hỗ trợ vốn, phối hợp triển khai khoa học kỹ thuật… nên trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch số 57 diễn ra đúng theo sự chỉ đạo của Hội cấp trên.
Sau 1 năm triển khai thực hiện, Hội cơ sở đã hướng dẫn xây dựng và thành lập được 79 chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, có 727 thành viên tham gia, với đa dạng loại hình sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng đối với việc đăng ký thực hiện mô hình Dân vận khéo hàng năm. Nổi bật là Tổ hội đan lọp tép (khu vực Thới Mỹ), Tổ hội trồng Chôm Chôm Thái (khu vực Thới Xương 1, phường Thới Long), Tổ hội trồng rau nhút (khu vực Thới Hòa C, phường Long Hưng), Tổ hội sản xuất Lúa chất lượng cao (khu vực Hòa An B), Chi hội trồng Thanh Nhãn (khu vực Hòa Long, phường Thới Hòa), Tổ hội nghề nghiệp trồng Mận ngủ mùng (khu vực Hòa Thanh A), Tổ hội trồng rau ăn lá (khu vực Thới Hòa, phường Thới An), Tổ hội trồng hoa kiểng (khu vực 12, phường Châu Văn Liêm), Tổ hội may bao tay (khu vực Thới Ngươn, phường Phước Thới), Tổ hội ươm cá giống (khu vực Bình Yên), Tổ hội trồng Vú sữa tím (khu vực Tân Thạnh, phường Trường Lạc)… Các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đi vào hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được yêu cầu, nguyên vọng của các thành viên, đoàn kết tương trợ giúp nhau trong sản xuất, nâng dần giá trị sản phẩm; đồng thời giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Việc thành lập và phát triển mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để hội viên có cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; cùng mối quan tâm đến một vấn đề; cùng có sự chia sẻ; cùng có trách nhiệm; cùng hưởng lợi từ giá trị kinh tế đạt được. Do đó, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn so với trước kia hoạt động đơn lẻ. Ngoài sự tương hỗ của các thành viên khi tham gia, các chi, tổ Hội còn được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Quan trọng là thông qua các mô hình, Hội các cấp lồng ghép đưa công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Hội đến được với hội viên nông dân ngày càng nhiều hơn, phát huy được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của hội viên, nhất là phát huy vai trò dân chủ trong việc giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Hội Nông dân quận Ô Môn không ngừng quan tâm chỉ đạo rà soát củng cố, xây dựng, thành lập và nhân rộng các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hiệu quả. Khẳng định việc xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp sẽ là tiền đề cho việc thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, qua đó tạo được sức mạnh lan tỏa trong toàn hệ thống Hội, tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo mô hình hợp tác kiểu mới.
Phạm Văn Giúp
Hội Nông dân quận Ô Môn