ĐBSCL có thể mở rộng lúa – tôm lên trên 250 ngàn ha, sản lượng lúa đạt khoảng 800 đến 1 triệu tấn và trên 100 ngàn tấn tôm nguyên liệu sạch mỗi năm.
Kiên Giang là tỉnh có diện tích đất sản xuất lúa lớn nhất ĐBSCL (khoảng 300 ngàn ha), trải rộng trên 3 vùng sinh thái khác nhau. Trong đó, vùng Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên nguồn nước ngọt dồi dào, thuận lợi cho sản xuất lúa 2 – 3 vụ/năm. Riêng vùng U Minh Thượng, nguồn nước mặn – ngọt luân phiên, thích hợp cho phát triển 1 vụ tôm – 1 vụ lúa (mô hình tôm – lúa).
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Đỗ Minh Nhựt cho biết, Kiên Giang có diện tích sản xuất tôm – lúa khá lớn, năm 2020 diện tích có thể đạt 100.000 ha, tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và một phần huyện Gò Quao.
Tỉnh xác định mô hình tôm – lúa là loại hình đặc trưng và quan trọng trong cơ cấu nuôi tôm, trồng lúa của tỉnh, nhất là tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP hoặc hữu cơ. Trong các năm qua (2017 – 2019), diện tích sản xuất tôm – lúa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã có 276 ha đạt chứng nhận VietGAP và 405 ha đạt chứng nhận hữu cơ. Sản phẩm làm ra được các công ty bao tiêu, chế biến, phục vụ tiêu dùng nội địa ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và xuất khẩu đi các thị trường khó tính.
Theo tiến sĩ Nguyễn Công Thành, Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp hữu cơ Á Châu (AOI) thì mô hình tôm – lúa mang lại lợi nhuận cao và bền vững. Mô hình tôm – lúa ở ĐBSCL có thể mở rộng lên trên 250 ngàn ha, trong đó sản lượng lúa đạt khoảng 800 đến 1 triệu tấn mỗi năm và trên 100 ngàn tấn tôm nguyên liệu sạch.
“Tại Kiên Giang, đã hình thành mô hình tôm – lúa hữu cơ, liên kết sản xuất – tiêu thụ từ năm 2007 cho đến nay và đang được tiếp tục nhân rộng phát triển. Mô hình với sự tham gia đầu tư của Công ty Đại Dương Xanh trong việc xây dựng ruộng lúa hữu cơ gần 400 ha ở 2 Hợp tác xã Thạnh An và Thuận Phát (huyện An Minh), làm cơ sở cho phát triển chứng nhận tôm hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế, trong mô hình khép kín tôm – lúa hữu cơ. Còn mô hình tôm hữu cơ đã được Công ty Minh Phú thực hiện hàng trăm ha ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, trong ruộng lúa hữu cơ liên kết sản xuất tiêu thụ với Công ty Tuấn Vương từ năm 2018 đến nay cũng đạt kết quả rất tốt”, tiến sĩ Nguyễn Công Thành nhận xét.
Ông Mã Hòa Khá, GĐ Cty TNHH thu mua chế biến Nông sản Tâm Phước ở TP Hồ Chí Minh cho biết: Nhiều năm qua, Công ty có hướng đi riêng là xuống tận hộ nông dân các tỉnh ĐBSCL để bao tiêu lúa gạo sản xuất theo hướng an toàn, sử dụng phân thuốc hữu cơ. Công ty bán ra thị trường trong nước các loại gạo ngon, trồng theo hướng an toàn khoảng 4- 5 ngàn tấn/vụ. Ngoài ra còn xuất khẩu khoảng 35- 40 ngàn tấn gạo/vụ.
Hiện Công ty Tâm Phước đang bán loại gạo khá đặc biệt cho thị trường phía Bắc theo đơn đặt hàng. Cụ thể người dân chọn giống lúa chất lượng cao, trồng theo hướng hữu cơ. Lúa thu hoạch để 1- 2 tháng sau đó xay xát thành gạo không qua chế biến lau bóng, bán trực tiếp cho người tiêu dùng.