Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại thành phố Cần Thơ từ giữa năm 2021. Để thực hiện dự án đạt hiệu quả, Hội Nông dân thảnh phố đã tiến hành khảo sát và lựa chọn triển khai tại 2 xã trên địa bàn 2 huyện gồm: Xã Đông Hiệp (Cờ Đỏ), xã Tân Thạnh (Thới Lai) với sự tham gia của 42 hộ hội viên nông dân. Trong quá trình triển khai dự án, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện Cờ Đỏ và Thới Lai tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của dự án nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về hiệu quả của biện pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường. Đến nay, qua 6 vụ thu hoạch, cây lúa được áp dụng các biện pháp canh tác khoa học, thân thiện với môi trường, đã mang lại hiệu quả tích cực giúp người nông dân giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là giúp bảo vệ môi trường. Hiện dự án đã nhân rộng tại huyện Vĩnh Thạnh với diện tích 340 ha. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả dự án, Hội Nông dân tiếp tục tổ chức 10 cuộc truyền thông hướng tới sản xuất lúa thân thiện với môi trường cho gần 900 nông dân trên toàn thành phố Cần Thơ tham dự.
Trong các cuộc truyền thông, nông dân được nghe các phương pháp canh tác canh tác lúa thân thiện với môi trường như phương pháp tưới nước ngập – khô xen kẽ; phương pháp sử dụng phân bón hợp lý (giảm phân đạm); sử dụng và xử lý rơm rạ hợp lý. Bên cạnh đó, thành viên Ban Quản lý dự án còn cung cấp kết quả so sánh giữa nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường và canh tác lúa thông thường (không áp dụng). Kết quả cho thấy, khi áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường sẽ giúp nông dân gia tăng lợi nhuận sau canh tác nhờ giảm chi phí đầu vào và tác động đến 3 mặt, gồm: Thứ nhất, về kinh tế, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật trong mỗi vụ lúa; giảm số lần bơm nước; giảm được lượng phân bón cho lúa, nhất là giảm lượng phân đạm; sử dụng dụng rơm, rạ hợp lý giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân và tăng hàm lượng chất hữu cơ trong đất; tăng lợi nhuận cho nông dân. Thứ hai, về xã hội, sử dụng rơm để trồng nấm, trồng hoa,… sẽ giúp tạo thêm việc làm cho người dân ở nông thôn cũng như nông dân ở ven đô thị; giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật sẽ giúp cải thiện sức khỏe của người nông dân, cũng như sức khỏe người tiêu dùng nông sản. Thứ ba, về môi trường, giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, giảm ô nhiễm môi trường nước; giảm lượng phân bón góp phần giảm phát khí thải nhà kín; giảm số lần bơm tưới là góp phần tiết kiệm nước.
Có thể khẳng định việc triển khai Dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường tại thành phố Cần Thơ bước đầu đã tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như phương pháp canh tác của hội viên, nông dân. Phương pháp này có tính ưu việt, không chỉ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích, mà còn nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất lúa an toàn. Vì vậy trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn thành phố, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh lương thực của địa phương.
Lê Thị Hoa
Hội Nông dân thành phố