Trung tâm Khuyến nông Quốc gia – Văn phòng Thường trực tại Nam bộ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Cần Thơ, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh, Hợp tác xã Tiến Thuận và Hội Nông dân xã Thạnh An tổ chức lớp tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thái thấp phục vụ xây dựng mô hình thí điểm thuộc đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh cho hội viên nông dân ngoài mô hình 50ha tại ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh trong 2 ngày (ngày 23 và 24/9/2024) (ảnh).
Lớp tập huấn có 30 học viên là hội viên nông dân. Các học viên được triển khai 4 nội dung: Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; vai trò của hợp tác xã trong tổ chức, sản xuất, liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa chất lượng cao, phát thải thấp/Tổ chức liên kết xây dựng chuỗi giá trị lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng ĐBSCL; giới thiệu tổng quan về giải pháp công nghệ và quy trình MRV; các giải pháp xử lý rơm rạ tận dụng phụ phế phẩm trong sản xuất lúa và các cây trồng khác góp phần giảm phát thải. Đồng thời, các học viên được nghe đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Cần Thơ đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp 50ha, mô hình giúp mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế và môi trường. Qua đó, các diện tích lúa tham gia mô hình đã giảm được nhiều chi phí đầu vào như: giảm lượng sử dụng giống khoảng 50%, giảm phân bón 20-30% và giúp giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, trong khi năng suất lúa tăng ít nhất khoảng 7% và nông dân cũng có thêm thu nhập từ việc khai thác rơm và có thể giảm được phát thải khí nhà kính từ 2-6 tấn CO2/ha. Thu nhập của nông dân trong mô hình có thể tăng thêm từ 1,3-6,2 triệu đồng/ha….. Ngoài ra, các học viên còn tham quan cánh đồng thực hiện mô hình đáp ứng các tiêu chí: sử dụng giống xác nhận; áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD); áp dụng bón phân chuyên biệt (SSNM), sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, giảm số lần bón phân còn 2 lần/vụ; áp dụng IPM quản lý bảo vệ thực vật….
Lớp tập huấn giúp hội viên nông dân nhận thấy lợi ích từ việc tiết giảm công lao động, giảm chi phí lúa giống, giảm lượng phân bón trong quy trình sản xuất canh tác lúa. Từ đó, từng bước nhân rộng mô hình sẽ được áp dụng rộng rãi tại các hộ nông nghiệp trên địa bàn ấp H2 và toàn xã Thạnh An.
Trương Minh Hẹn
Hội Nông dân xã Thạnh An