Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững một trong 3 phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989. Đến nay đã phát triển trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, tăng thêm hộ nông dân khá, giàu, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho nông dân. Trong 3 năm qua (2021-2023), phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Cờ Đỏ đã đạt được những kết quả chuyển biến rất tích cực.
Huyện Cờ Đỏ là huyện nông nghiệp của thành phố Cần Thơ, kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, có diện tích tự nhiên 31.990,55 ha. Toàn huyện có 30.499 hộ, với 115.283 nhân khẩu, trong đó có 17.198 hộ nông nghiệp, chiếm 57,96% so với hộ dân toàn huyện. Từ những chủ trương, chính sách đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nông dân, đã tạo điều kiện cho các cấp Hội phát huy những lợi thế, tiềm năng của địa phương, tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ nông sản xuất, kinh doanh đưa kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển.
Hàng năm, các cấp Hội vận động hội viên, nông dân đăng ký tham gia thực hiện phong trào đạt tỷ lệ từ 81% đến 95%/số hộ nông nghiệp, có trung bình 14.897 hộ đăng ký thực hiện phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững và phải đảm bảo thực hiện tốt các tiêu chí của Kế hoạch “Ba không” trong sản xuất: không sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn; không sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc khai thác thủy sản; không gây ô nhiễm môi trường. Qua kết quả đăng ký, tổ chức đoàn khảo sát, bình xét hàng năm, tỷ lệ đạt từ 62% đến 75%/số hộ đăng ký. Trung bình hàng năm có 10.134 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Chất lượng hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, rất nhiều hộ nông dân đã biết phát huy nguồn lực của gia đình, lợi thế của địa phương, khai thác tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn, có cách tính, cách làm hay, độc đáo, khắc phục khó khăn, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả cao; tạo việc làm thường xuyên, việc làm thời vụ cho nhiều lao động ở địa phương và trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, xuất sắc.
Nhìn chung, những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có thu nhập cao trong năm là những hộ biết khai thác tổng hợp các nguồn lực, tiềm năng lợi thế của địa phương; qui mô sản xuất; thực hiện mô hình chuyên canh cây, con có giá trị kinh tế cao; mô hình đa canh hoặc tổng hợp sản xuất – kinh doanh – làm dịch vụ… có nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm, nếu độc canh cây lúa lợi nhuận tối đa cũng chỉ từ 70 -100 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, một số hộ nông dân đã mạnh dạn ứng dụng những kỹ thuật mới, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo cải tiến các loại máy nông nghiệp, các công cụ phục vụ sản xuất thay lao động chân tay để giảm công lao động; giảm chi phí sản xuất; tạo thu nhập cho gia đình tiêu biểu như: hộ ông Phan Thanh Tổng ở xã Thới Đông đầu tư 2 máy gặt đập liên hợp; hộ ông Nguyễn Văn Oanh xã Thới Xuân, đầu tư mướn của vườn ươm công nghệ Hàn Quốc 3 chiếc máy cày để làm dịch vụ; ông Lê Quang Vinh xã Đông Hiệp lắp đặt hệ thống phun tới tự động, điều khiển từ xa tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí… đã góp phần tích cực vào sự chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển nông nghiệp, công nghiệp nông thôn.
Tuy nhiên, những năm qua, do ảnh hưởng của các đợt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi; thời tiết diễn biến bất thường cũng đã ảnh hưởng nhiều đến ngành trồng trọt. Từ đó, đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng của phong trào. Việc liên kết “4 nhà” chưa thật sự chặt chẽ; giá cả thị trường không ổn định, tình trạng được mùa mất giá vẫn là điệp khúc đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh; kết cấu hạ tầng nông thôn tuy đã được tập trung đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; một số chủ trương của Chính phủ như việc triển khai, thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa thật sự đi vào cuộc sống, đã làm ảnh hưởng đến đầu tư của người sản xuất. Một số ít nông dân còn trông chờ, chưa biết phát huy lợi thế, tiềm năng, nguồn lực của địa phương để phát triển sản xuất; chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong thời gian tới, để thực hiện phong trào ngày càng phát triển hơn, các cấp Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với việc thực hiện nghiêm các tiêu chí “Ba không” trong sản xuất: không sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn; không sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc khai thác thủy sản; không gây ô nhiễm môi trường. Tuyên truyền, vận động nông dân gắn sản xuất với thị trường đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập, và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 29 tháng 4 năm 2021 của Huyện ủy Cờ Đỏ về đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế tập thể và kinh tế vườn huyện Cờ Đỏ giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Thực hiện hiệu quả hoạt động liên kết hợp tác, dạy nghề, dịch vụ hỗ trợ cho nông dân nhằm phát triển toàn diện phong trào ở các xã, thị trấn. Tăng cường hoạt động tương trợ, cùng nhau làm giàu, giúp nông dân giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào. Tham mưu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, xuất sắc phù hợp trên từng đối tượng vật nuôi, cây trồng qui mô, địa bàn. Nêu gương và tổ chức học tập, nhân rộng các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và giúp đỡ có hiệu quả đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Sơ, tổng kết thực tiễn làm cơ sở chỉ đạo phong trào và kiến nghị với Đảng, Nhà nước có chính sách phù hợp, ổn định để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nhất là về chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm… tạo điều kiện cho phong trào phát triển.
Nguyễn Huỳnh Hiếu
Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ