Hoạt động của hội

HOẠT ĐỘNG QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN CẦN THƠ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022

Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố kiểm tra Quỹ Hỗ trợ nông dân 6 tháng đầu năm 2022 tại Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ.

Căn cứ chỉ tiêu tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân do Trung ương Hội giao, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu phát triển nguồn vốn cho Hội Nông dân các quận, huyện, bao gồm chỉ tiêu ngân sách cấp và chỉ tiêu vận động ủng hộ; đồng thời, ban hành văn bản số 913-CV/HNDT ngày 07/01/2022 gửi Sở Tài chính thành phố đề nghị hỗ trợ kinh phí 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố năm 2022 qua Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố theo Đề án đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2021- 2025 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Để công tác vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân có hiệu quả, Ban Thường vụ thành Hội chỉ đạo Hội Nông dân các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, các tổ chức, cá nhân về mục đích, ý nghĩa, hoạt động và hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ nông dân trong việc tham gia phát triển nông nghiệp nông thôn để hưởng ứng tích cực và lan tỏa trong hệ thống Hội. Kết quả, tính đến nay, các cấp Hội đã vận động tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 4,7 tỷ đồng, đạt 94% chỉ tiêu Trung ương Hội giao, nâng số tổng số vốn toàn thành phố hiện nay trên 40 tỷ đồng. Số vốn này đã phát vay xoay vòng trên 210 dự án với trên 2.100 lượt hộ hội viên nông dân vay để sản xuất kinh doanh mua bán, giải quyết hàng trăm lao động có việc làm mang lại hiệu quả thiết thực tại địa phương qua các mô hình: chăn nuôi bò thịt, bò sữa, sản xuất lúa, cải tạo vườn cây ăn trái, trồng sầu riêng… Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 35.585 hộ vay vốn với tổng dư nợ 1.161,395 tỷ đồng, số dư tiền gửi tiết kiệm 113,353 tỷ đồng, đặc biệt có 25 đơn vị Hội cấp xã, phường không có nợ quá hạn; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay thông qua Hội Nông dân (6 xã thuộc 3 đơn vị quận, huyện) có18 tổ vay vốn với 119 khách hàng, tổng dư nợ 34,434 tỷ đồng.
Phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân, với nguồn vốn xây dựng được, Hội Nông dân thành phố đã giải ngân kịp thời, đúng đối tượng vay, không để tồn đọng vốn lâu. Hầu hết các dự án vay vốn được xây dựng từ những mô hình sản xuất hiệu quả, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp với mục đích giúp cho các hộ tham gia dự án cùng phát triển, tăng năng suất trong các lĩnh vực sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… và góp phần chuyển đổi nhận thức từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ vay. Nhiều mô hình đã có sức lan tỏa và thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững”, góp phần tác động tích cực vào một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã như tiêu chí thu nhập, việc thành lập các mô hình kinh tế tập thể… Trong 6 tháng đầu năm, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố giải ngân 13 dự án với tổng kinh phí 5,33 tỷ đồng cho 135 hộ vay, trong đó, nguồn vốn Trung ương Hội uỷ thác 1 tỷ đồng, còn lại nguồn vốn ngân sách thành phố. Song song đó, Hội Nông dân quận, huyện cũng đã tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ, thông qua việc đề nghị ngân sách cấp quận, huyện hỗ trợ vốn qua Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 7,192 tỷ đồng. Trong quá trình cho vay, Hội luôn chú trọng đến khâu khảo sát, chọn đúng đối tượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời, Hội còn tích cực phối hợp ngành chuyên môn hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh. Từ đó ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu như: tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền có hộ ông Huỳnh Thanh Lâm vay vốn 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác để chăm sóc vườn sầu riêng hàng năm thu nhập trên 2 tỷ đồng/ha, hay hộ ông Hồ Văn Điền vay vốn 50 triệu đồng để chăm sóc vườn sầu riêng thu nhập 300 triệu đồng/0,5 ha; tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt có hộ bà Lương Thị Giếng vay vốn 50 triệu đồng để chăm sóc vường mận An Phước thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng/ha, hộ bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên vay vốn 50 triệu đồng để chăm sóc vườn Mận An Phước và kinh doanh trái cây thu nhập 300 triệu/ha…
Hàng tháng, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố cử cán bộ đến kiểm tra các hộ vay sử dụng vốn và việc phát triển mô hình, nắm tâm tư nguyện vọng của hội viên, đồng thời, tư vấn, hướng dẫn hội viên quản lý kinh tế hộ gia đình, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Từ đầu năm đến nay đã tổ chức 9 cuộc tập huấn về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân cho trên 829 cán bộ hội viên; tổ chức tập huấn về nghiệp vụ nhận ủy thác vay vốn ngân hàng cho trên 1.220 học viên là cán bộ Hội, tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mở 15 lớp tập huấn về quản lý hoạt động ủy thác cho gần 630 học viên. Bên cạnh đó, mở hàng chục buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hội viên nông dân tại các xã, phường trên địa bàn các quận, huyện.
Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, đa dạng hình thức huy động vốn. Trong đó, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nguồn vốn ủng hộ của cá nhân, tổ chức, tham gia đóng góp của các hội viên. Đồng thời, hướng dẫn hội viên nông dân đăng ký vay Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất, kết hợp giúp đỡ, hỗ trợ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay để Quỹ Hỗ trợ nông dân thực sự trở thành “điểm tựa” giúp hội viên, nông dân có thêm cơ hội phát triển sản xuất nông nghiệp, từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu bền vững.

Lê Thị Thủy
Hội Nông dân thành phố Cần Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *