Hoạt động của hội

Nông dân thời hội nhập

Ông Đinh Văn Son, Giám đốc HTX Phước Thiên, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai với thương hiệu thanh long ruột đỏ.

Nắm được xu thế trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, nhiều nông dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã vươn lên làm giàu bằng nghị lực của bản thân, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư vào sản xuất. Cũng chính từ đó, đã xuất hiện một thế hệ người nông dân mới với năng lực quản lý, kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp đã hình thành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thực hiện ngày càng tốt vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.
Hình mẫu người nông dân mới
Câu chuyện trái nhãn được “đi Tây” của Hợp tác xã (HTX) nhãn Thái Thanh (ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) là niềm tự hào của bà con nông dân nơi đây. Sau 3 năm liên tục có những lô hàng vượt biển sang 4 quốc gia, sự kiện này đã trở thành động lực cho các hộ nông dân thêm mạnh dạn, tự tin trên con đường chinh phục thị trường xuất khẩu nông sản. Với lão nông Lâm Văn Tính ở ấp 1, xã Thới Hưng, thành công này là cả quá trình nỗ lực và mạnh dạn tìm tòi. Với quyết tâm tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm địa phương, năm 2015, ông Tính là người tiên phong đem giống thanh nhãn về trồng trên đất Thới Hưng.
Ông Tính cho biết: “Trên diện tích 10ha, tôi trồng 5.000 gốc thanh nhãn. Hiện nay, 7ha đã thu hoạch. Sở dĩ tôi chọn trồng thanh nhãn vì đây là giống trái ngon, có giá trị kinh tế cao, nhẹ công chăm sóc”. Theo ông Tính, thanh nhãn không chỉ trúng mùa mà giá bán thường xuyên ở mức cao, bình quân trên 60.000 đồng/kg. Vụ vừa qua, mặc dù năng suất giảm 60%, do ảnh hưởng thời tiết, trên diện tích 7ha cho trái, ông Tính thu hoạch được 23 tấn, bán với giá 75.000 đồng/kg. Hiện nay, HTX nhãn Thái Thanh đã được cấp mã code cho vùng trồng, được Công ty xuất nhập khẩu Chánh Thu thu mua. Mới đây, Vina T&T Group cũng vừa tìm đến HTX bàn bạc việc thu mua nhãn để tách hạt, cấp đông. So với yêu cầu nội địa, yêu cầu thị trường xuất khẩu khắt khe hơn nhưng ông Tính bảo: “Phải cố gắng trồng đạt chuẩn xuất khẩu để quốc tế biết đến những đặc sản trái ngon của Việt Nam. Có như thế, nông nghiệp của chúng ta mới phát triển”. Năm 2018, HTX xuất khẩu chỉ được 8 tấn trái thì sang năm thứ 2, lượng xuất khẩu tăng gần gấp đôi. Riêng vụ vừa qua, HTX đã xuất khẩu khoảng 36 tấn thanh nhãn.
Xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai là nơi làm nên thương hiệu thanh long ruột đỏ. Giống cây này trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm ăn khấm khá. Nhiều hộ có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ thanh long ruột đỏ. Ông Đinh Văn Son, Giám đốc HTX Phước Thiên, là người đầu tiên đem giống cây này về trồng tại địa phương. Ông Son bộc bạch: “Cũng nhờ xem báo đài, tôi mới biết và tìm mua giống cây này tại địa phương. Sau khi trồng đạt hiệu quả, tôi vận động bà con trồng theo. Lúc đó, chỉ có 12 hộ trồng thanh long, với diện tích 1ha. Trồng nhiều nhất là gia đình tôi, với khoảng 150 gốc trên diện tích 1.000m2. Ban đầu, chúng tôi chỉ bán nội địa. Về sau, tôi tìm mối thu mua xuất khẩu ở các tỉnh, thành khác. Từ đó, bà con quyết định mở rộng diện tích trồng. Đến nay, có gần 50 hộ dân trồng thanh long ruột đỏ, với diện tích khoảng 25ha. Riêng gia đình tôi đang trồng 1.700 gốc thanh long trên diện tích 15.000m2”. Theo tính toán của ông Son, mỗi héc-ta đất trồng thanh long ruột đỏ có thể thu hoạch không dưới 30 tấn trái. HTX đang ký kết với Công ty xuất khẩu thanh long Hoa Cương và liên kết thêm với Công ty Vạn Phát Thành để bao tiêu sản phẩm. Đây là bước ngoặt mở ra triển vọng cho thanh long ruột đỏ Trường Xuân B, tạo niềm tin để người dân đầu tư, mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu.
Tại HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, trái vú sữa đã được Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty xuất nhập khẩu Chánh Thu thu mua xuất khẩu. Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, hiện nay, thành viên của HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Năm 2020, vú sữa được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu với giá 37.000-48.000 đồng/kg. Từ khi được công nhận GlobalGAP, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chế biến trái cây xuất khẩu trong và ngoài thành phố tìm đến HTX thu mua.
Cùng nông dân vươn ra “biển lớn”
Bà Trần Thị Thiên Thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam, Phó Chủ tịch HND TP Cần Thơ, cho biết: “Muốn thị trường chào đón nông sản Việt Nam, cần có những sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng và có “thương hiệu”. Nhằm giúp nông dân thích ứng với xu thế thị trường, các cấp HND thành phố phối hợp cùng các sở, ngành vận động nông dân liên kết sản xuất, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị”. Từ đó, đã thành lập mới, củng cố và duy trì 1.319 tổ hợp tác (THT), 13 HTX nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp vận động nông dân duy trì và mở rộng 119 mô hình cánh đồng lớn với diện tích 31.564ha, với gần 20.000 hộ hội viên, nông dân tham gia.
Các cấp HND thành phố trực tiếp hỗ trợ nông dân hoàn thành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản. Đến nay, đã tiến hành xây dựng 34 nhãn hiệu, trong đó có 12 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận, 7 nhãn hiệu đã được cấp quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, 15 nhãn hiệu đã nộp đơn và đang hoàn thiện thủ tục. Song song đó là xây dựng các chuỗi giá trị nông sản trên lúa gạo, ổi ruột hồng (xã Thới Tân, huyện Thới Lai), cá thát lát (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), sầu riêng Tân Thới (huyện Phong Điền)… HND thành phố đang phối hợp với các đơn vị thực hiện 2 dự án xây dựng và phát triển thương hiệu sầu riêng Tân Thới (xã Tân Thới, huyện Phong Điền) và thương hiệu gạo sạch Thạnh Đạt (xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh), từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Cần Thơ.
Các cấp HND thành phố phối hợp với ngành nông nghiệp thường xuyên tổ chức hội thảo liên kết tiêu thụ nông sản; hỗ trợ các HTX, THT sản xuất tham gia quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương lập 7 điểm bán hàng nông sản an toàn; giới thiệu sản phẩm nông sản sạch của các HTX, THT cho 11 cửa hàng tiện ích liên kết tiêu thụ nông sản, như: VinMart, Satrafood, HTX Nông sản xanh…
Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Chủ tịch HND TP Cần Thơ, Hội sẽ tiếp tục phối hợp hỗ trợ nông dân tham gia các THT, HTX, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đăng ký mã vùng trồng… Đặc biệt, hỗ trợ nông dân khai thác hiệu quả nhãn hiệu hàng hóa, phát huy lợi thế của chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho cán bộ, hội viên, chung tay xây dựng nông nghiệp địa phương hiện đại, bền vững.
                                                                                                                      Lê Thị Hoa
                                                                                      Hội Nông dân thành phố Cần Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *